Theo Người phát ngôn về tiêm chủng của Bộ Y tế Indonesia, bà Siti Nadia Tamizi, Bộ Y tế Indonesia và một số bên liên quan đang xây dựng kế hoạch cho đợt tiêm chủng mũi thứ 3 của vaccine Sinovac. Theo bà, mặc dù vaccine Sinovac vẫn có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng tiềm ẩn cho bệnh nhân Covid-19, song kết quả nghiên cứu của Đại học UNPAD Indonesia và công ty dược phẩm Bio Farma cuat Indonesia cho thấy lượng kháng thể của những người được tiêm vaccine Sinovac sau 6 tháng đã giảm.
Tuy nhiên, theo khuyến nghị của Nhóm Tư vấn Kỹ thuật Indonesia về Tiêm chủng, mũi thứ 3 chỉ được tiêm sau 12 tháng kể từ mũi đầu tiên, do đó, đợt tiêm chủng mũi thứ 3 sẽ được thực hiện trong năm tới.
Dù vây, Bộ Y tế Indonesia vẫn chưa đề cập đến đối tượng được tiêm mũi vaccine thứ ba. Trước mắt, nhân viên y tế tuyến đầu trong cuộc chiến chống đại dịch đang được triển khai tiêm mũi thứ 3 vaccine Covid-19 và loại vaccine được sử dụng là vaccine của Moderna. Các nhân viên y tế Indonesia đã được tiêm 2 mũi đầu tiên với vaccine Sinovac.
Trước đó, các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc cho biết, tác dụng của vaccine Sinovac mất dần sau 6 tháng kể từ khi mũi tiêm thứ hai.
Nhà dịch tễ học của Đại học Griffith, Australia, ông Dicky Budiman cũng cho rằng cần phải tiêm mũi vaccine thứ ba như một cách tăng cường kháng thể để bảo vệ người dân trước số ca mắc và tử vong tương đối cao như hiện nay.
Tính đến ngày 29/7, Indonesia đã nhận tổng cộng 173 triệu liều vaccine, trong đó có 147,7 triệu liều Sinovac ở dạng thành phẩm và nguyên liệu thô. Sau 7 tháng phát động chiến dịch tiêm chủng quốc gia, đã có 45,5 triệu người Indonesia được tiêm mũi vaccine đầu tiên và khoảng 18,9 triệu người đã tiêm đủ hai mũi. Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho hơn 208 triệu dân để đạt miễn dịch cộng đồng./.