Cảnh sát Pháp hôm 18/5 xuống đường tuần hành biểu tình để chống lại việc “thù ghét cảnh sát” từ những người biểu tình phản đối dự Luật lao động El Khomri. Theo đại diện của cảnh sát Pháp thì từ nhiều tuần qua, lực lượng cảnh sát nước này là đối tượng bị thù ghét một cách bất công của những người biểu tình phản đối Luật lao động, thậm chí nhiều cảnh sát còn bị thương trong các c uộc đụng độ với những người biểu tình quá khích và vì thế, họ cũng cần biểu tình để thể hiện sự bất mãn của mình.

Tại Paris, vài trăm cảnh sát đã tập trung tuần hành ngay tại quảng trường Cộng hòa. Tuy nhiên, sự xuất hiện của lực lượng cảnh sát ở địa điểm được coi là “thánh địa” của các lực lượng biểu tình phản đối Luật lao động và là nơi đầu não của phong trào “Nuit Debout – Đứng trắng đêm” đã khiến nổ ra các vụ đụng độ. Một xe cảnh sát đã bị đốt cháy và nhiều đoàn người biểu tình đã có va chạm với lực lượng biểu tình của cảnh sát.

Trong khi đó, trên toàn nước Pháp, cảnh sát Pháp cũng tổ chức nhiều cuộc tuần hành tại các Sở cảnh sát địa phương để phản đối việc bị thù ghét và là đối tượng bị tấn công từ phía người dân biểu tình.

Tình hình căng thẳng hiện nay cho thấy đang có sự đối kháng rất lớn giữa các phong trào biểu tình chống lại Luật lao động và lực lượng cảnh sát có nhiệm vụ kiểm soát các vụ biểu tình để tránh bạo động. Phía những người biểu tình thì tố cáo cảnh sát Pháp đã lạm dụng bạo lực, sử dụng dùi cui, hơi cay… để trấn áp người biểu tình trong khi Bộ Nội vụ Pháp thì công bố con số là từ khi diễn ra các phong trào biểu tình rầm rộ từ cuối tháng 3, đã có hơn 350 cảnh sát bị thương do bị người biểu tình tấn công.

4_gsja.jpg
Cảnh sát Pháp khống chế người biểu tình có hành vi quá khích tại Nantes.

Cảnh sát Pháp cũng tố cáo các công đoàn lao động, như CGT hay FO, đã kích động bạo lực và sự thù hận đối với lực lượng cảnh sát, đồng thời để mặc cho những kẻ chuyên phá phách trà trộn vào dòng người biểu tình để gây rối.

Chính quyền Pháp cho đến lúc này đang đứng về phía cảnh sát. Thủ tướng Pháp Manuel Valls và Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve đều lớn tiếng ủng hộ lực lượng cảnh sát và chỉ trích mạnh mẽ những phần tử chuyên phá hoại trong phong trào biểu tình. Ông Cazeneuve tuyên bố cảnh sát sẽ cứng rắn hơn và cương quyết không buông tha cho những kẻ cố tình kích động bạo lực và từ tháng 3/2016 đến nay, đã có 51 trường hợp người biểu tình bị truy tố vì cố tình gây bạo loạn.

Không chỉ nhận được sự ủng hộ từ chính quyền, lực lượng cảnh sát Pháp cũng được nhiều đảng phái chính trị ủng hộ trong nỗ lực kiểm soát các cuộc biểu tình ngày càng có dấu hiệu quá khích trên khắp nước Pháp.

Đại diện nhiều đảng cánh tả và cánh hữu đã đến quảng trường Cộng hòa vào chiều 18/5 để góp mặt và bày tỏ sự ủng hộ nhóm cảnh sát đang biểu tình tại đây. Giới chính trị gia Pháp đều cho rằng trong thời điểm nước Pháp còn đang phải đối phó với các nguy cơ an ninh nghiêm trọng về khủng bố, lực lượng cảnh sát và hiến binh Pháp phải căng sức ra thực thi nhiệm vụ và việc nhiều kẻ chuyên phá phách trà trộn vào dòng người biểu tình để kích động bạo lực chống lại cảnh sát là không thể chấp nhận nổi.

Theo một cuộc thăm dò dư luận gần đây, sau các vụ khủng bố đẫm máu ở Paris, có đến 82% dân Pháp có cảm tình tốt với lực lượng cảnh sát Pháp./.