Sau cuộc trao đổi tù nhân hồi cuối tháng 4 vừa qua, Nga và Mỹ mới đây đều khẳng định mong muốn đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân trong bối cảnh mọi sự chú ý của truyền thông đều xoay quanh chiến dịch đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Nhà Trắng và Điện Kremlin đều bày tỏ mong muốn đàm phán về vấn đề vũ khí hạt nhân dù thừa nhận việc này khó có thể diễn ra vào thời điểm hiện nay. Trong khi Đại sứ Mỹ tại Moscow John Sullivan tuyên bố Mỹ - Nga cần tiếp tục đối thoại, thì người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, đây là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong quan hệ hai nước: “Chúng tôi quan tâm và đều nhận thức được rằng việc nối lại các cuộc đàm phán về vũ khí hạt nhân, xem xét sự chuyển dịch cấu trúc an ninh châu Âu và thậm chí của thế giới là cần thiết”.

Trước đó, hồi tháng 4 vừa qua Nga và Mỹ đã tiến hành trao đổi tù nhất bất chấp những căng thẳng ngày một gia tăng tại Ukraine. Nga đã trả tự do cho một cựu lính thủy đánh bộ Mỹ mà nước này bắt giữ cách đây 3 năm, trong khi Mỹ trả tự do cho một phi công Nga bị bắt giam hơn một thập kỷ trước với cáo buộc buôn lậu ma túy.

Điều khiến cuộc trao đổi tù nhân, cũng như tuyên bố của Nga và Mỹ về các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân trở nên đáng chú ý là bởi nó diễn ra vào thời điểm mà cuộc xung đột tại Ukraine đã đẩy quan hệ giữa Nga và phương Tây, mà cụ thể là giữa Nga và Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Dù chọn tránh tham gia quân sự trực tiếp, song bằng cách này hay cách khác Mỹ vẫn đang tiến hành những động thái có thể ảnh hưởng đến diễn biến của cuộc xung đột này. Trong đó phải kể đến việc cung cấp một lượng lớn vũ khí, thông tin tình báo và huấn luyện quân sự cho Ukraine. Washington cũng đã thực hiện các bước đi nhằm củng cố NATO và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh tay với Nga.

Với những mục tiêu mà Nga và Ukraine đang theo đuổi, cuộc xung đột dường như khó có thể kết thúc trong một sớm một chiều và đây cũng sẽ là bối cảnh cho mối quan hệ giữa Nga và phương Tây trong tương lai. Những bất đồng sâu sắc trong vấn đề Ukraine không đồng nghĩa với việc hai bên sẵn sàng từ bỏ các cơ hội hợp tác và tách biệt các vấn đề về xung đột và lợi ích để “đôi bên cùng có lợi”. Vì thế việc nối lại đối thoại giữa các quan chức quân sự và dân sự cấp cao giữa Nga và phương Tây là cần thiết để giảm nguy cơ tính toán sai lầm có thể dẫn đến đối đầu, cũng như khám phá các cơ hội hợp tác dù là hạn chế./.