Qui chế miễn thị thực giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine chính thức có hiệu lực trong tuần này. Như vậy, từ nay, công dân Ukraine có hộ chiếu sinh trắc học có thể đi 30 nước châu Âu mà không cần thị thực với thời gian lưu trú không quá 90 ngày trong vòng 180 ngày bất kỳ.
Quyết định này có thể giúp thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa EU và Ukraine, cũng như giúp con đường tiến tới gia nhập EU của Ukraine rộng mở hơn.
Quy chế miễn thị thực cho công dân Ukraine được áp dụng tại tất cả các nước thành viên EU, ngoại trừ Anh, CH Ireland và 4 nước không phải thành viên EU gồm Iceland, Công quốc Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ.
Việc EU đồng ý miễn thị thực ngắn hạn cho công dân Ukraine là một thông tin tốt lành đối với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Chính phủ Ukraine đang cần những bước đi cụ thể như vậy từ EU, để tranh thủ sự ủng hộ của người dân cũng như tăng cường vị thế trong căng thẳng gia tăng với Nga.
Phát biểu khi qui chế chính thức có hiệu lực, Tổng thống Poroshenko cho rằng, đây là bước cuối cùng để nước này thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga cũng như mở cánh cửa tới châu Âu cho người dân Ukraine.
Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết, hàng nghìn người đã đi qua biên giới để vào các nước EU chỉ nửa ngày đầu tiên qui chế có chính thức hiệu lực hôm 11/06 vừa qua. Trong khi đó, cơ quan biên phòng Ukraine ước tính, qui chế mới có hiệu lực sẽ khiến số người Ukraine sang các nước EU tăng 30%.
Nhiều người dân Ukraine bày tỏ vui mừng khi qui chế này chính thức có hiệu lực. Natalya Troyanovska, một cư dân Ukraine cho biết: “Đây là một bước đi tích cực, tạo nhiều cơ hội cho người dân Ukraine đặc biệt là những thanh niên trẻ. Tôi nghĩ đây là một chiến thắng mới cho người dân Ukraine và mọi thứ sẽ tốt trên con đường tiến tới châu Âu”.
Ukraine và EU bắt đầu đàm phán về vấn đề miễn thị thực từ năm 2008. Việc EU chính thức trao qui chế cũng là một bước đi nhằm kéo Ukraine xích lại gần hơn với khối này trong bối cảnh quan hệ giữa Ukraine và Nga đang căng thẳng liên quan tới cuộc xung đột tại miền Đông.
Đại sứ Litva tại Ukraine Mariuss Janukonis nhận định: “Đây không chỉ là một ngày vui đối với Ukraine mà còn đối với cả châu Âu. Bởi vì châu Âu đang tiến gần hơn với Ukraine. Châu Âu cũng đang dỡ bỏ các rào cản giúp đảm bảo sự tự do cho con người”.
Mặc dù qui chế miễn thị thực cho Ukraine là một bước đi giúp xích lại gần EU hơn nhưng theo giới quan sát, con đường gia nhập EU sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Để đảm bảo nhận được qui chế miễn thị thực, Ukraine đã phải hoàn thành 144 tiêu chí của kế hoạch, trong đó có các biện pháp an toàn giấy tờ, kiểm soát biên giới, đấu tranh chống tham nhũng… Tuy nhiên để gia nhập châu Âu , những tiêu chuẩn đó sẽ khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều.
Trong khi đó nội bộ EU cũng có nhiều nước không mấy thiện cảm với việc kết nạp thêm Ukraine. Điều này thể hiện rất rõ qua việc Hà Lan tổ chức cuộc trưng cầu ý dân liên quan đến quá trình liên kết của Ukraine với EU. Một số nước cũng thường xuyên lên tiếng chỉ trích quá trình cải cách, tham nhũng và nhân quyền tại Ukraine. Bản thân EU cũng đang đối mặt với những vấn đề nội bộ của mình, như việc Anh chuẩn bị rời khỏi khối, nên việc kết nạp thành viên mới sẽ khó khăn hơn nhiều.
Không mấy lạc quan về triển vọng của Ukraine gia nhập EU, Đại sứ EU tại Ukraine Hugues Mingarelli cho rằng, điều EU quan tâm và tập trung hiện nay đó là hỗ trợ quá trình cải cách và hiện đại hóa Ukraine. Không nên vì qui chế miễn thị thực này mà khiến Ukraine “nuôi ảo mộng” cũng như làm EU “ khó xử”. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng từng tuyên bố, Ukraine sẽ không thể gia nhập EU trong vòng 20-25 năm tới./.