Nga hôm 29/5 tuyên bố sẵn sàng bắt đầu đàm phán với Mỹ nhằm giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Nam Ukraine, cũng như hy vọng thúc đẩy đối thoại giữa Mỹ và Ukraine.

ngoai_truong_my_nga_xyvv.jpg
Ngoại trưởng Mỹ Tillerson (trái) và Ngoại trưởng Nga Lavrov. (Ảnh: politico.eu)

Tuyên bố này được đưa ra khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lên kế hoạch tái khởi động các cuộc đàm phán với Nga để giải quyết cuộc xung đột Ukraine, mở ra những hy vọng về một kết quả khả quan mới.

Phát biểu trên báo Izvestia của Nga số ra ngày 30/5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhấn mạnh, Nga không phản đối tăng cường đối thoại với chính quyền mới của Mỹ trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại miền Đông Nam quốc gia láng giềng Ukraine.

Tuy nhiên, ông Ryabkov khẳng định, các cuộc đối thoại Mỹ-Nga không thể thay thế cho các cuộc đối thoại Mỹ-Ukraine hay Đối thoại trong khuôn khổ Normandy. Thứ trưởng Ngoại giao Nga cũng bày tỏ hy vọng, sự can dự sâu hơn của chính quyền mới tại Mỹ vào cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ rất hữu ích.

Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng, nước này không phải là một bên xung đột tại Ukraine và tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia láng giềng với tư cách là một bên trung gian. Do đó, mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến việc thực thi thỏa thuận Minsk là "vô lý và phi logic".

Phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 29/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khẳng định: “Các bạn thường hỏi các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sẽ giúp như thế nào cho một giải pháp ở khu vực đông nam Ukraine. Tôi khẳng định chắc chắn rằng điều này chẳng giúp ích gì mà còn làm tình hình thêm nghiêm trọng”.

Tuyên bố của Nga đưa ra sau khi truyền thông Mỹ cho biết, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lên kế hoạch tái khởi động các cuộc đàm phán với Nga về giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng cho biết đang cân nhắc bổ nhiệm một đặc phái viên, nhằm triển khai các sáng kiến và nỗ lực mới trong vấn đề Ukraine. Mặc dù mới là giai đoạn khởi đầu, song ý tưởng của Ngoại trưởng Mỹ đã mở ra hy vọng về một kết quả khả quan.

Trong một nỗ lực quốc tế giúp thúc đẩy sáng kiến cho hòa bình Ukraine, các Thứ trưởng Ngoại giao Nhóm "Bộ tứ" Normandy (gồm Nga, Pháp, Đức và Ukraine) hôm nay (30/5) nhóm họp tại thủ đô Berlin của Đức. Đây sẽ là cuộc tiếp xúc đầu tiên của Nhóm "Bộ tứ" sau khi Pháp có nhà lãnh đạo mới.

Giới chức châu Âu lên tiếng hoan nghênh sự can dự sâu hơn  của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho rằng, sau một thời gian khá "thờ ơ" với cuộc khủng hoảng Ukraine, bước đi mới nhất của Mỹ là một tín hiệu tích cực.

Nhận định về kế hoạch của Mỹ tái khởi động đối thoại với Nga về Ukraine, chuyên gia phân tích chính trị Nga Denis Denisov cho rằng, Mỹ và Nga cuối cùng có thể đạt được đồng thuận, đồng thời bày tỏ hy vọng sự hợp tác giữa hai bên sẽ mang lại hiệu quả. Mỹ sẽ gây sức ép lên Ukraine, buộc nước này phải thực hiện các nghĩa vụ theo Thỏa thuận hòa bình Minsk. 

Theo giới quan sát, việc Mỹ khởi động đối thoại với Ukraine cũng là phép thử chính sách của chính quyền mới tại Mỹ trong mối quan hệ với Nga cũng như cuộc xung đột Ukraine. Chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ cố gắng để đạt được thỏa thuận với Nga về Ukraine. Tuy nhiên, nếu thất bại, Mỹ có thể sẽ lựa chọn giải pháp tăng cường sự ủng hộ quân sự cho chính phủ Ukraine cũng như từ bỏ ý tưởng “cài đặt lại”mối quan hệ với Nga./.