Lực lượng hải quân Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đang phối hợp tìm kiếm những phi công mất tích sau vụ Syria bắn rơi máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 22/6 vừa qua. Tín hiệu từ cả 2 bên cho thấy, không bên nào muốn đối đầu quân sự sau sự cố này. Tuy nhiên, vụ việc đã làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ giữa 2 nước, vốn từng là đồng minh trước khi cuộc nổi dậy xảy ra tại Syria vào hồi tháng 3/2011.

Gia tăng căng thẳng giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ còn khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về khả năng bùng phát những xung đột sâu rộng tại khu vực Trung Đông.

May-bay.jpg
Máy bay quân sự F-4 Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh:AFP)
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, chiếc máy bay F-4 không mang theo vũ khí đã bị bắn hạ tại vùng biển Địa Trung Hải ở vị trí cách thị trấn Latakia của Syria 13km hôm 22/6. Trong khi đó, Syria lại tuyên bố chiếc máy bay này đã vi phạm không phận của Syria xung quanh vùng lãnh hải của nước này, đồng thời khẳng định, lực lượng Syria chỉ nhận ra đây là chiếc máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi đã bắn rơi nó.

Kênh truyền hình của Thổ Nhĩ Kỳ A Haber dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Syria Jihad Makdissi ngày 23/6 cho biết, đây không phải là một cuộc tấn công. Ông Makdissi cũng khẳng định, không có hành động thù địch nào giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, mà đây chỉ là một hành động nhằm bảo vệ chủ quyền của Syria.

Về phía Thổ Nhĩ kỳ, Phó Thủ tướng nước này Bulent Arinc cho biết, chiếc máy bay bị rơi không phải là máy bay chiến đấu mà là một máy bay trinh sát. Các phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ trước đó cũng xác định đây là chiếc Phantom F4, một chiến đấu cơ cũng được sử dụng với nhiệm vụ trinh sát.

Ông Arinc nói: Chính quyền Syria cần phải đưa ra lời giải thích rõ ràng về vụ việc này. Chúng tôi sẽ công bố cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ một cách chính xác rằng, chiếc máy bay trinh sát này đang thực hiện những chuyến bay huấn luyện thường xuyên, và nó đã bị bắn hạ thế nào, vì lý do gì và địa phận bị bắn rơi là ở khu vực nào”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abduallah Gul cũng đã thừa nhận rằng, chiếc máy bay F4 có thể đã vô tình đi vào không phận của Syria, song cho rằng, đây là sự cố thường xảy ra chứ không có chủ ý gì. Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố sẽ đáp trả hành động của Syria song không nói rõ sẽ đáp trả bằng cách nào.

Theo giới phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí có thể đáp trả bằng các biện pháp quân sự, hoặc có thể chỉ là gia tăng lệnh trừng phạt đối với Syria, hay là một yêu cầu bồi thường và một lời xin lỗi từ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Dự kiến hôm nay (24/6), thành viên chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có cuộc họp để thảo luận và đề ra các bước đi đáp trả cần thiết.

Vụ việc trên không những khiến quan hệ 2 nước láng giềng thêm căng thẳng, mà nó còn khiến cho cộng đồng quốc tế lo ngại rằng những căng thẳng này sẽ châm ngòi xung đột trên toàn khu vực Trung Đông.

Ngoại trưởng Iraq Hoshyar Zebari cho rằng, mối quan tâm hiện nay chính là khủng hoảng Syria sẽ lây lan sang các nước láng giềng: “Không một nước nào có thể vượt ra ngoài phạm vi ảnh hưởng nếu như những xung đột ở Syria lan rộng. Nếu cuộc xung đột này trở thành một cuộc chiến tranh tôn giáo hoặc dân sự, thì Iraq sẽ bị ảnh hưởng, Lebanon, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ cũng không phải là ngoại lệ”.

Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cũng cho biết, Đức rất quan ngại về vụ việc trên. Phát biểu trong một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Bangladesh Dipu Moni, Ngoại trưởng Đức Westerwelle cho rằng, trong khi sự cố cần phải được điều tra thì tất cả những nỗ lực khác cũng phải được thực hiện để tránh sự leo thang hơn nữa trong cuộc khủng hoảng tại Syria.

Ngoại trưởng Đức Westerwelle nói: “Tôi lo ngại trước việc máy bay quân sự Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn hạ bởi lực lượng Syria. Sự cố này cần phải được điều tra đầy đủ. Tôi cũng hoan nghênh các hành động có trách nhiệm từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Cần phải thực hiện ngay các nỗ lực nhằm ngăn chặn sự leo thang căng thẳng trong tình hình vốn đã căng thẳng tại khu vực”.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hy vọng 2 bên sẽ kiềm chế nhằm giải quyết vụ việc thông qua các kênh ngoại giao./.