Nga và phương Tây đang đưa ra các bước đi nhằm xoa dịu căng thẳng liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Hôm qua (25/3), Tổng thống Mỹ Barack Obama và các đồng minh nhất trí hoãn áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế nếu Nga không tiến hành các bước đi khiến tình hình căng thẳng leo thang.

Mô tả Nga như một quyền lực khu vực và không phải là mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất đối với Mỹ. Ông Obama nhấn mạnh, có một sự thật là quân đội Nga đã kiểm soát được bán đảo Crimea và không thể buộc họ rời khỏi đây bằng vũ lực.

lavrov-deshchytsya.jpg
Ngoại trưởng Sergei Lavrov lần đầu tiên có cuộc gặp với Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsia hôm 24/3 (Ảnh: BBC)

Phát biểu khi tham dự Hội nghị an ninh hạt nhân tại The Hague (Hà Lan), ông Obama cho rằng, việc bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga chưa phải là “sự việc đã rồi” vì Mỹ và phương Tây sẽ không công nhận. Mỹ và các đồng minh đang tính các giải pháp tiếp theo nhằm gây sức ép với Nga, tùy thuộc vào các bước đi của nước này.

Ông Obama nói: “Những gì chúng tôi đang làm đó là xem xét các tác động đa chiều của những biện pháp trừng phạt”.

Hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cũng diễn ra hôm nay tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trong khi đó, Nga hiện cũng có những thay đổi trong chính sách đối với Mỹ và phương Tây. Ngoại trưởng Sergei Lavrov ngày 25/3 lần đầu tiên đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsia, mặc dù Nga không công nhận chính phủ lâm thời Kiev.

Ông Lavrov nhấn mạnh, Nga không có ý định “xâm chiếm” khu vực phía đông và phía nam Ukraine. Hai bên nhất trí không gây căng thẳng thêm xung quanh vấn đề Crimea. Nga cũng hoan nghênh việc triển khai các quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Ukraine, nhưng nhấn mạnh rằng, các quan sát viên không được đến Crimea sau khi Nga đã sáp nhập bán đảo này.  

Mặc dù ngày hôm qua (25/3), nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 tuyên bố tổ chức hội nghị cấp cao không có sự tham dự của Nga, nhưng Kremlin vẫn khẳng định tiếp tục duy trì tiếp xúc với các đối tác trong G7. Người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, phía Nga sẵn sàng có những cuộc tiếp xúc như vậy ở tất cả các cấp.

Rõ ràng những tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine trong thời gian qua với các biện pháp trả đũa lẫn nhau đang ảnh hưởng không nhỏ đến tất cả các bên. Chứng khoán Nga thời gian qua có những lúc giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Giới đầu tư rút vốn mạnh khỏi Nga từ đầu năm tới nay. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) đã hạ triển vọng tín nhiệm của Nga từ mức “ổn định” xuống “tiêu cực”, do lo ngại về những ảnh hưởng đối với nền kinh tế này từ cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trong khi đó, tại châu Âu, viện nghiên cứu Info tại Munich (Đức) ngày 25/3 cho biết, chỉ số niềm tin kinh doanh của Đức trong tháng 3/2014 giảm lần đầu tiên trong 5 tháng qua. Các công ty của nền kinh tế lớn nhất châu Âu bắt đầu lo lắng sự đối đầu với một thị trường trọng điểm như Nga sẽ làm tổn hại đến lợi ích của họ.

Về lâu dài, nếu như khủng hoảng tiếp tục lún sâu, giá dầu mỏ, khí đốt, lương thực cùng giá nguyên nhiên liệu sẽ tăng. Đó sẽ là điều không mấy dễ chịu đối với các nước thuộc EU, vốn khá nhạy cảm trước các diễn biến trên thị trường năng lượng và nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.

Một chuyên gia kinh tế Đức Klaus Wohlrabe nhận định: “Cuộc khủng hoảng Crimea có những hậu quả đáng kể. Hiện giờ chưa có thể dự đoán được rằng Nga có thể cắt nguồn cung khí đốt  hay không. Một số công ty Đức dừng đầu tư tại Nga và đang rút vốn khỏi nước này. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thấy có sự sụt giảm xuất khẩu tới Nga. Nếu các biện pháp trừng phạt gia tăng, chắc chắn sẽ có sự trả đũa từ phía Nga và khi đó ít nhất là xuất khẩu của Đức sẽ giảm”.

Mâu thuẫn giữa hai nước láng giềng Nga và Ukraine cũng khiến Ukraine có thể mất sự ưu đãi lớn về giá khí đốt từ Nga, giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế vốn đang "chao đảo" và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia này. Vì vậy, với những lợi ích khó có thể phủ nhận, các bên đang từng bước làm giảm nhiệt cuộc khủng hoảng này./.