Trong một cuộc họp thượng đỉnh an ninh khu vực mới đây, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề nghị các đối tác châu Á của mình cũng như Nga hãy chống lại sự can thiệp của các “thế lực bên ngoài”.

Ông Tập không đề cập trực tiếp đến Washington trong bài phát biểu của mình – đây là bình luận đầu tiên của ông về quốc tế kể từ khi diễn ra cuộc bầu cử Mỹ cách đây một tuần.

Ông Tập phát biểu như sau trước lãnh đạo các nước trong hội nghị trực tuyến của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hôm 10/11: “Thế giới đang bước vào một thời kỳ bất ổn và chuyển đổi. Cộng đồng quốc tế hiện đang đối mặt một thử nghiệm lớn với các lựa chọn giữa chủ nghĩa đa phương và chủ nghĩa đơn phương, sự cởi mở và khép kín, hợp tác và đối đầu”.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã gia tăng trong thời kỳ ông Trump làm Tổng thống Mỹ. Bài phát biểu của ông Tập chứa đựng một số điểm về chính sách đối ngoại mà Bắc Kinh hay sử dụng để công kích Washington.

Chủ tịch Tập kêu gọi các nước thành viên SCO, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Pakistan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan, hãy “mạnh mẽ chống lại sự can thiệp của các thế lực bên ngoài vào các vấn đề quốc nội” của các nước thành viên.

Ông Tập cũng cảnh báo sự trỗi dậy của “chủ nghĩa đơn phương” trên thế giới – thuật ngữ này thường được Bắc Kinh sử dụng để công kích Washington vì đã ra khỏi các hiệp ước như thỏa thuận khí hậu Paris hay thỏa thuận hạt nhân Iran.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng kêu gọi chống lại sự phổ biến của cái mà ông gọi là “virus chính trị” – một thuật ngữ mà Trung Quốc thời gian qua hay sử dụng để chỉ chiến dịch của chính quyền Tổng thống Mỹ Trump công kích cách thức Trung Quốc xử lý đại dịch Covid-19.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và các quan chức khác trong chính quyền Trump đã gia tăng sức ép lên Trung Quốc ngay cả khi các hãng truyền thông lớn trên thế giới đã xác định cuộc bầu cử Mỹ tuần qua có kết quả theo hướng có lợi cho ứng viên Joe Biden (người được họ gọi là “tổng thống đắc cử”) chứ không phải là ông Trump.

Bản thân ông Trump vẫn từ chối thừa nhận thất bại và cam kết sẽ kiện kết quả bầu cử Mỹ 2020.

Cũng hôm 10/11, Ngoại trưởng Pompeo nói rằng chính quyền Trump “chưa xong” với Trung Quốc và sẽ có sự “chuyển tiếp êm thấm sang một chính quyền Trump thứ 2”.

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng phát biểu chỉ trích “áp lực của nước ngoài”. Ông lên án các lệnh trừng phạt mà châu Âu và Mỹ áp đặt lên Belarus sau khi Tổng thống nước này Alexander Lukashenko từ chối từ chức. Ông Lukashenko tái đắc cử vào tháng 8 trước sự chỉ trích của phe đối lập.

Hội nghị SCO lần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt: Các nền kinh tế khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, quốc gia thành viên Kyrgyzstan đang vật lộn với tình trạng nổi loạn trong nước, còn các nước đối thoại là Armenia và Azerbaijan thì vừa có xung đột vũ trang.

Ngoài ra tranh chấp biên giới vẫn tiếp diễn giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Hội nghị SCO là cuộc họp đa phương đầu tiên có sự tham dự của Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kể từ khi xung đột bùng phát giữa 2 nước vào tháng 5/2020.

Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Modi nói rằng thật không may khi có các nỗ lực không cần thiết để đưa các vấn đề song phương vào chương trình nghị sự của SCO. Ông kêu gọi các nước thành viên tôn trọng “sự toàn vẹn lãnh thổ” và “chủ quyền” của nhau./.