Cả 2 chuyến thăm này đều đang được truyền thông quốc tế, đặc biệt là khu vực Trung Đông theo sát, bởi nó diễn ra đúng lúc căng thẳng giữa Mỹ và Iran có nguy cơ leo thang thành xung đột, đúng thời điểm tròn 1 năm Mỹ tái áp đặt trừng phạt lên Tehran.

pompeo_o_iraq_jhmr.jpg
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo (trái) có mặt ở Iraq. Ảnh: Poltitico.

Trước sức ép trừng phạt kinh tế từ Mỹ, Iran nhiều lần tuyên bố sử dụng quân sự để phong tỏa eo biển Hormuz  – nơi các chuyến tàu chở dầu trong khu vực đi ra quốc tế, đáp ứng 40% nhu cầu thị trường thế giới. Thêm vào đó, việc Iran liệt quân đội Mỹ tại Trung Đông vào danh sách khủng bố, để đáp trả việc Mỹ coi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran là “khủng bố” đã khiến Washington không thể ngồi yên.

Giới chức Mỹ tuyên bố, hành động phong tỏa eo biển Hormuz bằng quân sự của Iran sẽ được giải quyết bằng một hành động quân sự, hay như một tuyên bố “ví von” khác là bằng một giải pháp ngoại giao 200.000 tấn, ám chỉ tàu sân bay của Mỹ đang di chuyển tới Trung Đông mà hai ngày trước Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã nhắc tới.

Cả Cố vấn John Bolton và Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Sanahan đều xác nhận, đã có những dấu hiệu “đáng tin cậy” về việc Iran đang chuẩn bị có hành động “nguy hiểm”. Việc triển khai tàu sân bay tới Trung Đông là nhằm mục đích đáp trả các mối đe dọa từ phía Iran. Theo các vị quan chức Mỹ, bất kỳ cuộc tấn công nào từ Iran vào lực lượng Mỹ cũng như đồng minh của nước này sẽ bị đáp trả một cách “nghiêm khắc” nhất.

Tuy nhiên, bất kỳ hành động leo thang nào giữa Mỹ và Iran cũng phải có sự chuẩn bị. Và chuyến thăm bất ngờ của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Iraq ngày hôm qua được coi là 1 bước đi như vậy. Trong bối cảnh mối quan hệ đang ấm lên giữa Iraq và Iran, Mỹ cần có được sự đảm bảo, sự ủng hộ chắc chắn từ đồng minh thân cận, nằm ngay sát với Iran. Và điều này dường như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đạt được trong các cuộc gặp với giới chức Iraq.

Ngoại trưởng Mỹ cho biết: “Trong các cuộc gặp với giới chức Iraq, chúng tôi đã đề cập đến nhiều vấn đề. Trước tiên, tôi muốn nói về tầm quan trọng của Iraq. Họ có thể bảo vệ một cách đầy đủ người Mỹ trên đất nước của mình. Đây cũng là trách nhiệm của Iraq. Tôi cũng muốn cho Iraq biết về các mối đe dọa đang gia tăng và cung cấp thêm thông tin cho họ, để họ có thể bảo vệ các lực lượng của Mỹ. Và Iraq cũng đã hiểu, điều đó rất quan trọng với nước này”.

Nhà ngoại giao Mỹ cho biết thêm, việc điều động tàu sân bay tới Trung Đông có thể giúp ngăn chặn 1 hành động quân sự từ Iran, với hi vọng Tehran sẽ cân nhắc về những hậu quả khi tấn công vào các lợi ích của Mỹ.

Về phần mình, giữa lúc căng thẳng, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif hôm nay cũng có chuyến thăm tới Nga, để gặp người đồng cấp nước chủ nhà Sergey Lavrov. Dù không tiết lộ chi tiết về cuộc gặp song Bộ Ngoại giao Nga xác nhận, nhiều vấn đề sẽ được các nhà ngoại giao hai nước thảo luận trong cuộc gặp này. Tuy nhiên, Bộ này cũng nhấn mạnh, sự hợp tác của Nga với Iran là một điều kiện quan trọng để đảm bảo các lợi ích quốc gia của 2 bên và sự ổn định tại khu vực Nam Kavkaz và Trung Đông. Giới phân tích cho rằng, những leo thang căng thẳng với Mỹ gần đây, cộng với ý định giảm bớt 1 số cam kết “tự nguyện” của Iran đối với thỏa thuận hạt nhân 2015 sẽ được Ngoại trưởng Iran đề cập tới trong chuyến thăm.

Tròn 1 năm về trước, Mỹ đã tái trừng phạt Iran sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và 6 cường cường quốc trên thế giới, với mục tiêu đưa lượng dầu xuất khẩu của Iran trở về con số 0. Dẫu vậy, dù kinh tế khó khăn, đồng nội tệ mất giá mạnh, Iran lâu nay vẫn khẳng định sẽ thực hiện các cam kết đã ký trong thỏa thuận hạt nhân.

Tuy nhiên, truyền thông Iran cho biết, có thể trong ngày hôm nay (8/5) Tổng thống Iran Hassan Rouhani sẽ gửi thư cho các đối tác còn lại của thỏa thuận, tuyên bố giảm bớt một số cam kết “nhỏ và chung”, khởi động 1 phần chương trình hạt nhân của nước này, nhằm từng bước đáp trả các biện pháp trừng phạt từ Mỹ. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết, Pháp sẽ buộc phải tái áp đặt trừng phạt với Iran theo thỏa thuận nếu Tehran quyết định như vậy./.