Căng thẳng giữa Israel và Palestine tiếp tục leo thang khi các cuộc xung đột giữa lực lượng an ninh Israel và những người Palestine quá khích diễn ra dữ dội tại khu vực gần một nhà tù của Israel ở Bờ Tây trong ngày 6/11. Các cuộc xung đột diễn ra liên tiếp trong nhiều ngày qua đã khiến mối quan hệ giữa 2 bên ngày càng xấu đi và ảnh hưởng tới những nỗ lực đàm phán hòa bình song phương vốn vẫn đang ở trong thế bế tắc.
Cảnh sát Israel đã sử dụng hơi cay và đạn cao su để đẩy lùi đám đông người Palestine tức giận sau khi lực lượng cảnh sát Israel bắt giữ 31 người Palestine trong một cuộc truy bắt vào đêm hôm trước. Trong khi đó tại Jerusalem, cảnh sát Israel đã được tăng cường và phong tỏa nhiều đường phố ở phía Đông sau khi xảy ra vụ tấn công hôm 5/11 làm 1 cảnh sát Israel thiệt mạng.
Căng thẳng cũng diễn ra tại nhiều khu vực lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine sau khi Israel đóng cửa ngôi đền linh thiêng Al-Aqsa ở Jerusalem và ngăn cản người Palestine vào cầu nguyện. Người Palestine cáo buộc chính quyền Israel đang cố tình thay đổi hiện trạng của ngôi đền được cho là linh thiêng thứ 3 trên thế giới của người Hồi giáo. Trước tình hình bạo lực không có dấu hiệu hạ nhiệt, ngày 6/11, Ngoại trưởng Palestine Riyad Al-Maliki cảnh báo Israel về một cuộc xung đột tôn giáo có nguy cơ lan rộng trong khu vực:
“Nếu Israel còn tiếp tục các chính sách hiện nay, nó sẽ dẫn đến sự đối đầu trên cơ sở tôn giáo, điều sẽ không chỉ tồn tại ở Al-Aqsa hay Jerusalem mà nó sẽ vượt ra ngoài Palestine, ra toàn bộ thế giới Hồi giáo”.
Một số nước đã lên tiếng chỉ trích các cuộc xung đột của Israel xung quanh khu vực Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa. Ngày 6/11, Jordan cho rằng, hành động của Israel là xâm phạm khu thánh địa này và sẽ triệu hồi đại sứ của mình tại Tel Aviv để phản đối. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng chỉ trích các cuộc tấn công của lực lượng Israel ở khu vực Nhà thờ và nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ áp dụng mọi biện pháp quốc tế nhằm ngăn chặn Israel.
Trong một cuộc họp báo tại Ankara, Tổng thống Erdogan nói: “Những hành động của chính quyền Israel là không thể tha thứ được. Chúng ta không thể im lặng trước những diễn biến hiện nay. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khuôn khổ quốc tế. Tôi hy vọng chính quyền Israel sẽ mở cửa trở lại Nhà thờ cho những người Hồi giáo tới cầu nguyện. Nếu không, Israel sẽ bị cô lập không chỉ trong khu vực mà còn trên cả thế giới”.
Trong khi đó, cùng ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng Israel không có kế hoạch thay đổi hiện trạng của đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa bằng việc cho phép người Do Thái cầu nguyện ở đây. Theo hiện trạng của ngôi đền linh thiêng với cả đạo Hồi và đạo Do Thái, những người Do Thái được phép đến thăm nhưng không được cầu nguyện vì những lo ngại rằng sẽ gây xích mích tại một trong những thánh địa nhạy cảm nhất ở Trung Đông này.
Cuộc xung đột giữa người Do Thái và người Palestine được coi là dai dẳng nhất và dễ bùng phát nhất thế giới. Các cuộc đàm phán hòa bình liên tục thất bại và lần thất bại gần đây nhất là hồi tháng 4 năm nay. Ngay sau đó, Israel liên tục công bố các kế hoạch mở rộng khu định cư trên phần đất chiếm đóng của Palestine gồm Jerusalem và Bờ Tây.
Cuộc chiến giữa phong trào Ha-mát điều hành dải Gaza của Palestine với quân đội Israel hồi tháng 7 và tháng 8 năm nay cũng đã khiến bầu không khí giữa 2 bên ngày càng phân cực sâu sắc. Mới đây nhất vụ việc liên quan đến nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa lại giống như đổ thêm dầu vào lửa mối quan hệ vốn liên tục căng thẳng giữa Israel và Palestine. Những diễn biến này khiến cho cuộc xung đột giữa 2 bên ngày càng rơi vào thế bế tắc và khó tìm ra lối thoát./.