“Quay trở lại bàn đàm phán hoặc phải đối mặt với lệnh trừng phạt” là tối hậu thư mà 7 nước thành viên Liên minh châu Âu nằm ven Địa Trung Hải đưa ra với Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua (10/9). Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố quay trở lại đàm phán song không quên chỉ trích EU “thiên vị” với Hy Lạp.

Quan hệ EU – Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua đối mặt với nhiều bất đồng từ cuộc chiến tại Libya, Syria đến vấn đề nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến chính sách của nước này với lực lượng đối lập sau cuộc đảo chính bất thành năm 2016. Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai thăm dò dầu khí ở Đông Địa Trung Hải vào tháng 8 vừa qua, châm ngòi cho những căng thẳng mới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, quan hệ EU – Thổ Nhĩ Kỳ càng thêm xa cách.

Không dừng lại ở cảnh báo, 7 nước thành viên Liên minh châu Âu nằm ven Địa Trung Hải mà đứng đầu là Pháp đã chính thức ra tối hậu thư trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Trong tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị diễn ra tại Pháp hôm qua, lãnh đạo các nước Pháp, Italia, Manta, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Síp nhấn mạnh, nếu Thổ Nhĩ Kỳ không đối thoại và không chấm dứt các hoạt động đơn phương, EU sẵn sàng bổ sung các biện pháp hạn chế và vấn đề này có thể được thảo luận tại Hội đồng châu Âu vào ngày 24-25/9 tới.

Phát biểu với báo giới, Tổng thống Síp Nicos Anastasiades nhấn mạnh: “Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm luật pháp quốc tế, luật chủ quyền và quyền chủ quyền của thành viên EU. Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đồng thời vi phạm chủ quyền của EU. Chúng tôi nhất trí sử dụng tất cả biện pháp có thể để đối diện với hành động và cách ứng xử không tuân thủ pháp luật của Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả các biện pháp trừng phạt.”

Trước sức ép của EU, Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua đã đồng ý sẽ quay trở lại bàn đàm song nhấn mạnh rằng Hy Lạp không được ra điều kiện tiên quyết. Trong cuộc họp trực tuyến với Ủy ban các vấn đề quốc tế của Nghị viện châu Âu qua video hôm qua, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng “không quên” chỉ trích EU thiên vị với Hy Lạp. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nói:

“Bằng cách hành xử như một tòa án quốc tế, bảo vệ tuyên bố của một bên, EU đang trở thành một bên của những tranh cãi. Tòa án tư pháp châu Âu đã ra phán quyết Liên minh châu Âu không có quyền tài phán đối với các tranh cãi biên giới hàng hải. Do đó, quan điểm của Liên minh châu Âu về vấn đề tại Đông Địa Trung Hải là không công bằng và không phù hợp với luật pháp quốc tế.”

Những tuyên bố trên của EU và Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, mối quan hệ giữa hai bên đang trong tình trạng “bằng mặt song không bằng lòng”. Giới quan sát nhận định, nếu không có giải pháp ngoại giao khéo léo, căng thẳng hiện nay càng ngày càng đẩy mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - EU ra xa hơn./.