Hội nghị quốc tế về AIDS lần thứ 19 khai mạc đêm 22/7 (theo giờ Việt Nam) tại thủ đô Washington (Mỹ). Đây là diễn đàn về AIDS lớn nhất từ trước tới nay, với sự có mặt của hơn 21.000 đại biểu.

Với những nỗ lực không ngừng của cả thế giới trong nhiều thập kỷ qua, cuộc chiến chống lại căn bệnh thế kỉ AIDS đang đạt được những bước tiến đáng khích lệ. Tuy nhiên, để tăng cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân nhiễm HIV, các nước cần tăng cường nỗ lực hơn nữa.

AIDS-trong.jpg
Cuộc chiến chống đại dịch AIDS toàn cầu đang đạt được những bước tiến đáng khích lệ (Ảnh: The Washington times)

Hơn 21.000 đại biểu, gồm các chính trị gia, các nhà nghiên cứu và nhà hoạt động xã hội cùng đại diện của 34 triệu người nhiễm HIV đến từ 195 nước tham dự hội nghị lần này. Với chủ đề “Cùng nhau thay đổi xu thế”, hội nghị kéo dài 5 ngày (từ 22-27/7) tập trung vào nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống AIDS, đánh giá những bước tiến khoa học, bài học thực tế cũng như đề ra phương hướng hợp tác mới trong tương lai.

Hội nghị quốc tế về AIDS lần thứ 19 diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến chống đại dịch AIDS toàn cầu đang đạt được những bước tiến đáng khích lệ. Báo cáo của Liên Hợp Quốc gần đây cho biết, đã có hơn 80 nước trên thế giới tăng 50% đầu tư trong nước để phòng chống căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Số người ở các nước thu nhập thấp và trung bình được điều trị căn bệnh thế kỷ này cũng đạt kỷ lục 8 triệu người trong năm 2011. Các trường hợp nhiễm mới và tử vong cũng giảm khá mạnh vào năm 2011.

Tuần qua, Cơ quan Quản lý thuốc và dược phẩm của Mỹ đã công nhận thuốc Truvala là thuốc phòng HIV/AIDS - mở ra hướng mới trong việc ngăn chặn HIV/AIDS.

Phát biểu khai mạc hội nghị, thay mặt giới khoa học, Tiến sĩ Arash Alaei cho rằng, kết quả này là phần thưởng cho những nỗ lực không mệt mỏi của nhân loại hàng chục năm qua trong cuộc chiến chống AIDS: “Chúng tôi hài lòng khi thấy đông đảo người dân trên toàn thế giới đều tham gia vào cuộc chiến chống AIDS, coi đây là vấn đề quan trọng cần giải quyết và cần có sự hợp tác toàn cầu. Những kết quả này không thuộc về cá nhân nào, mà là phần thưởng tôn vinh tất cả những ai đang nỗ lực trong cuộc chiến này”.

Trong ngày đầu tiên của hội nghị, đã có những cam kết của một số nước và tổ chức quốc tế tiếp tục tham gia cuộc chiến chống AIDS. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim tuyên bố: “Chúng tôi có mặt trong hội nghị này để mang cho các bạn cả những cam kết và thử thách. Tôi cam kết rằng, Ngân hàng Thế giới sẽ hợp tác tích cực với các bạn trong cuộc chiến chống AIDS, cho tới khi chúng ta đánh bại được đại dịch này. Tuy nhiên, cũng có thử thách mà chúng ta phải đối mặt, đó là đại dịch AIDS đang tác động không nhỏ đến những nỗ lực chống nghèo đói và các thảm họa toàn cầu khác”.

Mỹ - nước đóng góp tài chính gần 50% cho Quỹ Phòng chống HIV/AIDS toàn cầu cũng cam kết tiếp tục chia sẻ trách nhiệm thông qua đầu tư thông minh để mỗi đô la đầu tư có thể cứu được nhiều bệnh nhân HIV/AIDS.

Nghị sĩ Quốc hội Mỹ Barbara Lee khẳng định: “Chúng ta phải tăng cường gấp đôi các nỗ lực, các cam kết đối với Quĩ toàn cầu cũng như Chiến lược và kế hoạch quốc gia về HIV /AIDS. Nước Mỹ cũng phải tăng cường các nỗ lực hơn nữa. Cần đặt vấn đề xóa bỏ HIV/AIDS trong cả các chương trình nghị sự”.

Mặc dù được đánh giá là có những bước tiến tích cực trong cuộc chiến chống AIDS toàn cầu, nhưng thế giới cần tăng cường nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến chống AIDS. Số người được chữa trị HIV/AIDS trên toàn cầu cho tới nay chỉ đạt hơn 50%. Con số 34 triệu người đang sống chung với HIV vẫn là cao nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, vấn đề tài trợ quốc tế đang giảm.

Với những khó khăn về kinh tế mà Mỹ và các nước phát triển đang phải đối mặt, chi ngân sách tăng thêm tài trợ chống HIV/AIDS đang là dấu hỏi lớn. Theo số liệu của Cơ quan Phòng chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc, thế giới cần phải có thêm từ 22 - 24 tỷ USD trong cuộc chiến chống AIDS vào năm 2015./.