Theo thông báo của bộ Thương mại Campuchia, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 trở đi. Campuchia sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế quan từ hiệp định này đối với một số mặt hàng chủ lực như: hàng nông sản, hàng nông sản chế biến và hàng công nghiệp…
Bên cạnh việc được hưởng lợi từ các hoạt động xuất khẩu này, Campuchia cũng kỳ vọng sẽ nhận được thêm các lợi ích từ RCEP trong một số lĩnh vực khác, chẳng hạn như chuyển giao công nghệ khoa học và kỹ năng mới thông qua các hoạt động đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, cũng như tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho người lao động.
Bộ Thương mại cũng khẳng định: "Hiệp định này sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu và tăng tổng sản phẩm quốc nội, cũng như giúp nền kinh tế Campuchia phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19".
Trước đó, Quốc vụ khanh Bộ Thương mại Seang Thay cho biết, các nghiên cứu đưa ra dự báo sau khi RCEP có hiệu lực sẽ giúp xuất khẩu hàng năm của Campuchia tăng thêm 7,3%, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 23,4% và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng khoảng 2%.
Ông Seang Thay cũng bày tỏ hy vọng RCEP sẽ tiếp tục được mở rộng và có thêm thành viên tham gia trong thời gian tới như Ấn Độ để phát triển thành chuỗi sản xuất toàn diện hơn trong khu vực.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực ( RCEP) được khởi động từ tháng 11/2012 tại Phnom Penh, khi Campuchia là nước Chủ tịch luân phiên ASEAN với kỳ vọng tạo ra một không gian thương mại tự do và đầu tư rộng mở giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và các nền kinh tế phát triển trong khu vực.
Sau 8 năm trải qua nhiều vòng đàm phán tích cực, RCEP đã được chính thức ký kết tại Hà Nội vào ngày 15/11/2020. RCEP được đánh giá là hiệp định thương mại tự do lớn nhất trên thế giới, với thị trường khoảng 2,2 tỷ người, chiếm 30% GDP và 28% trao đổi thương mại toàn cầu./.