Người dân Campuchia ủng hộ các biện pháp chống dịch

Như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, Campuchia đang đứng trước bờ vực thảm họa, nếu nhân dân và Chính phủ không đồng lòng chung tay chống dịch thì hậu quả khó lường.

Cách đây hơn một năm, kể từ khi dịch bắt đầu xuất hiện đầu năm 2020 và cho tới tháng 2 năm nay Campuchia đã phòng chống rất thành công, chỉ có khoảng 500 ca mắc Covid-19 và không có ai tử vong.

Tuy nhiên, từ vụ bùng phát trong cộng đồng hôm 20/2 tới nay, Campuchia đã phát hiện hơn 8.100 người mắc Covid-19, hơn 5.200 người đang điều trị và có 59 người tử vong. Riêng thủ đô Phnom Penh có khoảng 6.000 ca.

Với số ca Covid-19 tăng nhanh đột ngột, các bệnh viện đã trở nên quá tải, và một số bệnh nhân Covid-19 đã phải tự điều trị tại nhà. Trước tình hình cấp bách, chính phủ Campuchia đã phải áp dụng các biện pháp quyết liệt như lần đầu tiên phong tỏa toàn bộ Thủ đô Phnom Penh và thành phố liền kề Ta Khmao, thiết lập giới nghiêm, cấm đi lại giữa các địa phương, và lập ra các “vùng đỏ” - khu nguy cơ lây nhiễm cao trong Thủ đô nhằm chặn đứng chuỗi lây nhiễm.

Lệnh phong tỏa được ban hành vào đêm ngày 14/4 và được áp dụng ngay vào ngày 15/4 nên nhiều người dân Campuchia đã bị bất ngờ. Khi tiến hành lệnh phong tỏa thì đời sống người dân gặp nhiều khó khăn hơn trước vừa vì mất hoặc sa sút công ăn việc làm, vừa vì phải chịu cách ly và phong tỏa, nên cũng có một số người dân phản ứng với lệnh này. Nhưng đến nay, sau quá trình tuyên truyền của chính quyền thì đông đảo người dân đã ủng hộ lệnh phong tỏa, và xác định đây là bước đi cần thiết để kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng, chính phủ thực hiện chính sách hỗ trợ

Trong thời gian qua, Chính phủ Campuchia đã sử dụng các biện pháp hành chính có giới hạn và theo từng giai đoạn để vừa đảm bảo hiệu quả trong phòng chống dịch, vừa giảm thiểu tác động đối với nền kinh tế đất nước.

Chính phủ cũng phân quyền cho các tỉnh thành tự quyết định các biện pháp hạn chế đi lại, giới nghiêm hoặc phong tỏa trong địa bàn của mình để chủ động ứng phó. Theo đó, tỉnh Preah Sihanouk đã cấm người dân ra vào tỉnh từ ngày 4/3, thủ đô Phnom Penh ra lệnh giới nghiêm từ 20h tối tới 5h sáng từ ngày 1/4, nhiều tỉnh khác như: Kampong Speu, Sieam Reap sau đó cũng áp đặt giới nghiêm vào buổi tối, tới ngày 7/4 Chính phủ Campuchia ra lệnh cấm đi lại giữa các tỉnh và hiện nay thủ đô Phnom Penh cùng thành phố Takhmao đang bị phong tỏa hoàn toàn.

Việc bị giới nghiêm, hạn chế đi lại hay phong tỏa đã gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, giao thương của người dân cũng như khiến cuộc sống của nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Đặc biệt, bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những người làm việc trong các ngành nghề dịch vụ, ăn uống, lao động phổ thông bởi đa số họ không có tiền tích lũy, tiết kiệm.

Tuy nhiên, Chính phủ Campuchia không cấm các hoạt động vận tải hàng hóa, thậm chí còn khuyến khích các doanh nghiệp duy trì hoạt động cung cấp lương thực, thực phẩm để đảm bảo cuộc sống cho người dân. Chính phủ cũng có chính sách hỗ trợ tiền, lương thực, thực phẩm, đề nghị chủ các khu trọ miễn giảm tiền thuê nhà, ngân hàng giãn các khoản nợ và không tính lãi suất để giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Các kịch bản đối phó dịch Covid-19 của Campuchia

Tình hình dịch bệnh tại Campuchia vẫn đang trong giai đoạn hết sức căng thẳng với mỗi ngày phát hiện thêm hàng trăm ca bệnh mới bất chấp những biện pháp quyết liệt của chính quyền. Đến nay đã có hơn 8.100 ca mắc Covid-19, trong đó có 7.648 ca liên quan đến đợt lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2. Tình hình này đòi hỏi Chính phủ Campuchia phải tiếp tục có nhiều biện pháp hữu hiệu hơn nữa để kiềm chế và chặn đứng đà lây lan của dịch bệnh.

Sau khi đã áp dụng biện pháp phong tỏa với Thủ đô Phnom Penh và thành phố Takhmao, chính quyền Phnom Penh đã đẩy mạnh thêm một bước là khoanh “vùng đỏ” với một số khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, người dân tại đây không được ra khỏi nhà vì bất kỳ lý do gì trừ y tế. Lượng thực, thực phẩm cũng được chính quyền vận chuyển đến trước cửa các hộ gia đình. Nếu các khu vực khác có nhiều ca Covid-19 thì những “vùng đỏ” này sẽ còn mở rộng. Chính quyền cũng để ngỏ khả năng sẽ kéo dài thời gian phong tỏa nếu tình hình không có chuyển biến tích cực.

Bên cạnh việc duy trì và kiểm soát thực hiện nghiêm biện pháp phong tỏa, Chính phủ Campuchia cũng nối lại chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 với mục tiêu mỗi tháng tiêm chủng được cho 1 triệu người và sẽ sớm tiêm phòng cho khoảng 80% dân số tương đương với 13 triệu người. Đến nay, Campuchia đã tiêm được cho gần 1,3 triệu người, tương đương 1/16 dân số cả nước. Campuchia là một trong những nước có tỷ lệ người dân được tiêm vaccine ngừa Covid-19 cao nhất trong khu vực./.