Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra vào nửa sau thế kỷ 18 với cải tiến về công nghệ mang tên máy hơi nước. Thời kỳ này mở đầu cho 'kỷ nguyên máy móc", bắt đầu ở Anh và sau đó lan ra toàn thế giới. Một thế kỷ sau, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 diễn ra vào cuối thế kỷ 19, đánh dấu sự ra đời của "kỷ nguyên điện" cũng như chứng kiến sự suy thoái của Anh và sự nổi lên của Mỹ.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 bắt đầu sau Thế chiến II và đưa nhân loại đến "kỷ nguyên thông tin" với công nghệ máy tính, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin. Mỹ gần như vẫn giữ vai trò lãnh đạo thế giới cả trên trên những tiến bộ và công nghệ lẫn trong chính trị, kinh tế và quân sự kể từ đó.

trumptap_lkpo.jpg

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Những cuộc cách mạng công nghiệp này đều thay đổi sâu sắc môi trường kinh tế và chính trị thế giới cũng như thay đổi cách chúng ta nhìn nhận, sống và hành động.

Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến sự khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự kết hợp giữa công nghệ thực tế ảo, công nghệ lượng tử và công nghệ thông minh dựa trên nền tảng của Internet vạn vật (Internet of Things) tốc độ cao. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 một lần nữa "cách mạng hóa" cách hiểu của con người về thế giới và bản thân mình.

Tuy nhiên, quay trở lại địa hạt chính trị thế giới, "những đám mây đen" đang phủ bóng lên thế giới, đặc biệt giữa mối quan hệ của hai nền kinh tế hàng đầu hiện nay là Mỹ và Trung Quốc. Made in China 2025 - một kế hoạch công nghiệp chiến lược do chính phủ Trung Quốc nêu ra năm 2015 có lẽ được coi là sự kiện căn bản nhất châm ngòi cho những căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện nay.

Được xác định là một kế hoạch chiến lược trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kế hoạch trên của Trung Quốc đã đạt được những thành quả nhất định trong những thập kỷ qua, nhất là trong hệ thống công nghiệp, chuỗi cung ứng thế giới cũng như trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và viễn thông. Dù vậy, Trung Quốc vẫn còn một quãng đường khá xa so với những nước phát triển như Mỹ.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cùng với sự nổi lên của Trung Quốc trong một số lĩnh vực đã phần nào giải thích tại sao cuộc chiến thương mại của Mỹ với Trung Quốc lại nhắm vào các ngành công nghệ cao của Bắc Kinh. Một số thành quả công nghệ của Huawei hay một số công ty công nghệ cao hàng đầu của Trung Quốc là một vấn đề cảnh báo về mặt chiến lược với Mỹ. Nếu Trung Quốc có thể tiến xa hơn, việc ai sẽ là nhà lãnh đạo thực sự trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có thể sẽ lại một lần nữa thay đổi tình hình chính trị, kinh tế và xã hội của thế giới.

Ngay cả trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra hiện nay, tình hình chính trị và kinh tế thế giới cũng đang trải qua những thay đổi căn bản. Câu hỏi đặt ra hiện nay là: Liệu Mỹ sẽ đóng vai trò gì trong cuộc chơi này?./.