Trong bối cảnh tình hình Yemen diễn biến phức tạp, chính quyền Yemen đã kêu gọi quân đội các nước vùng Vịnh can thiệp để sớm lập lại ổn định tại nước mình.
Trả lời phỏng vấn phóng viên kênh truyền hình vệ tinh Al Jazera của Qatar hôm qua (23/3), Ngoại trưởng Yemen Riyadh Yaseen kêu gọi quân đội các nước Arab vùng Vịnh can thiệp vào nước này nhằm ngăn chặn các bước tiến mở rộng lãnh thổ của phiến quân Hồi giáo dòng Shiite Houthi, lực lượng chống đối Tổng thống Mansour Hadi.
Theo ông Yaseen, lực lượng phiến quân đã mở rộng vùng lãnh thổ chiếm đóng, chiếm các sân bay và thành phố, sử dụng máy bay tấn công thành phố Aden, bắt giữ tùy tiện, đe dọa và tập hợp lực lượng. Vì thế, Yemen đề nghị Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế thiết lập một vùng cấm bay và ngăn chặn lực lượng Houthi sử dụng máy bay quân sự tại các sân bay do chúng kiểm soát.
Trước đó, trong một bức thư gửi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Tổng thống Hadi cũng nhấn mạnh “lực lượng Houthi và các đồng minh đang đe dọa an ninh của Yemen, cũng như của khu vực và xa hơn nữa”. Ông kêu gọi “can thiệp khẩn cấp bằng mọi biện pháp có thể để chấm dứt hành động phá hoại chính quyền hợp pháp, cũng như hòa bình và ổn định của Yemen”.
Đáp lại lời kêu gọi của nhà chức trách Yemen, trong một tuyên bố tại cuộc họp báo sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đang ở thăm Saudi Arabia, Ngoại trưởng Saudi Arabia Saud al-Faisal cho biết: các quốc gia vùng Vịnh sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ Yemen chống lại sự “hung hãn” của nhóm phiến quân Houthi, nếu giải pháp hòa bình không phát huy tác dụng.
Tuy nhiên, ông al-Faisal vẫn nhấn mạnh, đối thoại là giải pháp cần thiết với Yemen lúc này: “Chúng tôi vẫn hy vọng là có thể hỗ trợ Yemen và đây vẫn là mục tiêu của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng tình hình tại Yemen có thể giải quyết một cách hòa bình, nếu không các quốc gia vùng Vịnh chúng tôi và cả thế giới Arab sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ khu vực.”
Về phần mình, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho biết, Anh ủng hộ Tổng thống Yemen Mansour Hadi và kêu gọi các bên xung đột đàm phán. Anh và các nước đồng minh sẽ tiến hành thảo luận nhằm sớm đưa ra biện pháp cho tình hình tại Yemen.
Ông Hammond nói: “Chúng tôi sẽ thảo luận với các đối tác và cả với nhà chức trách Mỹ về các giải pháp nhằm tăng cường vị thế và sức mạnh của Tổng thống Hadi, cũng như hỗ trợ chính phủ hợp hiến của Yemen. Tuy nhiên, Anh và nước đồng minh không hề mong muốn một giải pháp quân sự tại Yemen”.
Giới chức Mỹ cũng đã lên tiếng về tình hình tại Yemen. Trong một tuyên bố tại cuộc họp báo, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, Mỹ có đủ khả năng để giải quyết tình hình an ninh tại Yemen, bất chấp việc Mỹ cho rút toàn bộ các lực lượng Mỹ tại đây vài ngày trước đó.
Phát ngôn viên Earnest nói: “Cộng đồng quốc tế đang cam kết vào tiến trình giải quyết những khác biệt giữa chính phủ của Tổng thống Hadi và nhóm phiến quân Houthi. Và chúng tôi mong muốn một giải pháp ngoại giao tại Yemen. Dù rằng, giải pháp ngoại giao sẽ mất nhiều thời gian song chúng tôi cho rằng, đây là một sự đầu tư hiệu quả và nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Chúng tôi cũng ủng hộ tiến trình này”.
Hiện Yemen đang ngày càng bị chia cắt giữa khu vực miền Bắc, bao gồm thủ đô Sanaa do phiến quân Hồi giáo Houthi chiếm giữ và khu vực phía Nam do các lực lượng ủng hộ Tổng thống Hadi kiểm soát. Ngày 22/3, lực lượng Houthi đã chiếm Taiz, thành phố lớn thứ 3 của Yemen cũng như một sân bay quan trọng tại đây, cách thành phố cảng Aden khoảng 180km về phía Bắc, trên tuyến đường nối thủ đô Sanaa với Aden, nơi ông Hadi và chính quyền của ông đang tạm trú. Việc kiểm soát thành phố này sẽ tạo điều kiện cho Houthi siết chặt vòng vây nhằm vào chính quyền của Tổng thống Hadi./.
>> Xem thêm: Phiến quân Hồi giáo cực đoan Trung Đông