Ngày 31/10, tiếp tục có thêm nhiều nước bày tỏ phản đối việc bị nghe lén yêu cầu Mỹ giải thích về vụ việc.

Trung Quốc, Indonesia, Pakistan, Malaysia và Hà Lan đã yêu cầu Mỹ đưa ra lời giải thích sau khi báo chí ở Australia đăng các thông tin do cựu nhân viên Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ rằng, tình báo Australia-thông qua các Đại sứ quán ở thủ đô nhiều nước châu Á, đã hợp tác với Mỹ theo dõi các nước châu Á-Thái Bình Dương.

fisa_copy.jpg
Mỹ đang đau đầu tìm lời "giải thích" cho chương trình giám sát của NSA (Ảnh AFP)

Theo tờ Sydney Morning Herald, các Đại sứ quán Australia đã được dùng để nghe lén điện thoại và lọc dữ liệu tại khắp châu Á như một phần của hệ thống do thám của Mỹ.

Trước các thông tin mà báo chí Australia tiết lộ về chương trình do thám của Mỹ, ngày 31/10, Trung Quốc đã đề nghị Mỹ đưa ra lời giải thích về việc các Đại sứ quán của Australia, kể cả tại thủ đô Bắc Kinh, đang bị lợi dụng để phục vụ một chương trình gián điệp do Washington đứng đầu.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói: “Chúng tôi hết sức quan ngại về thông tin này và đề nghị Mỹ cùng các nước đồng minh đưa ra lời giải thích rõ ràng. Chúng tôi cũng đề nghị các đại sứ quán nước ngoài ở Trung Quốc cũng như các nhân viên ngoại giao của các phái bộ này tôn trọng Công ước Vienna cũng như các công ước quốc tế khác và không tham gia vào bất cứ hoạt động nào không phù hợp với quy chế hay chức vụ của họ, gây phương hại tới an ninh và lợi ích của Trung Quốc”.

Theo bà Hoa Xuân Doanh, Trung Quốc và Australia có nhận thức chung về tăng cường hợp tác. Bà nhấn mạnh Bắc Kinh hy vọng Canberra có thể phối hợp chặt chẽ để giải quyết vấn đề này.

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cùng ngày cũng lên tiếng phản đối và cho rằng, việc Washington theo dõi các cuộc gọi điện thoại và mạng lưới thông tin liên lạc từ Đại sứ quán Mỹ tại Jakarta là không thể chấp nhận được và chắc chắn không nằm trong tinh thần quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Bộ Ngoại giao Indonesia cũng đã cho triệu Đại biện lâm thời Mỹ tại Jakarta, ông Kristen Bauer để tìm lời giải thích về cáo buộc nghe lén nhằm vào nước này. Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi nói rằng, chính phủ nước này coi những cáo buộc nêu trên là vấn đề nghiêm trọng và sẽ điều tra xem liệu Đại sứ quán Mỹ ở Kuala Lumpur có bị sử dụng để do thám hay không.

Trong khi đó, Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan, Trung tướng Paradorn Pattanathabutr cho biết, chính phủ Thái Lan đã nói với phía Mỹ rằng, luật pháp Thái Lan coi do thám là tội phạm, và Thái Lan sẽ không hợp tác nếu được đề nghị tham gia do thám.

Cũng liên quan đến hoạt động do thám của Mỹ, Bộ trưởng Nội vụ Hà Lan Ronald Plasterk cho biết, ông đã nhận được một lá thư từ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) khẳng định nước này đang bị theo dõi và giám sát các cuộc gọi điện thoại và thư điện tử.

Phát biểu trên truyền hình, ông Plasterk khẳng định, những báo cáo về việc 1,8 triệu cuộc gọi điện thoại và thư điện tử tại nước này bị Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ  chặn hồi tháng 12 năm ngoái là có thật. Ông khẳng định không thể chấp nhận một nước đồng minh không tôn trọng luật pháp Hà Lan.

Trong một nỗ lực nhằm hạ nhiệt làn sóng công kích gay gắt từ cả trong và ngoài nước, ngày 31/10, Nhà Trắng thông báo đã ngừng việc theo dõi các cơ quan tài chính của thế giới có trụ sở tại thủ đô Washington của Mỹ. 
Bê bối về vụ nghe lén của Mỹ ngày càng lan rộng, liên quan đến nhiều nước. Có thể nói, sau cái lợi ban đầu, việc do thám các nước khác của Mỹ lại đang gây nhiều rắc rối cho nước này khi nhiều nước đang xem xét lại quan hệ với Mỹ bất chấp quan hệ trước đó như thế nào.

Việc khôi phục lòng tin lẫn nhau không dễ dàng và sẽ tốn không ít thời gian, chưa kể những đổ vỡ trong quan hệ song phương mà Mỹ khó có thể hàn gắn được./.