Tại hội nghị thượng đỉnh với chủ đề Jerusalem này, các nước Arab cũng nhấn mạnh, mối quan hệ giữa Israel và Palestine có tầm ảnh hưởng đến toàn khu vực Trung Đông.

Trong bức thư gửi liên đoàn Arab, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, dù khu vực còn nhiều vấn đề tồn đọng, song vấn đề Palestine vẫn cần được giải quyết trước tiên, để có thể có được một khu vực ổn định lâu dài.

quoc_vuong_salman_bbwl.jpg
Quốc vương Saudi Arabia Salman phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Arab ngày 15/4. Ảnh: AFP

Thông cáo chính thức của Liên đoàn Arab được hãng thông tấn Saudi Arabia SPA trích dẫn nêu rõ, cuộc xung đột giữa Palestine - Israel kéo dài hàng thập kỷ qua là một “vấn đề chính” có liên quan đến toàn bộ thế giới Arập. Liên đoàn Arập phản đối mạnh mẽ việc Mỹ năm ngoái công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và quyết định chuyển đại sứ quán của nước này từ Tel Aviv tới Jerusalem.

Các nước Arab mong muốn tất cả các nước trên thế giới không theo chân Mỹ khiến chủ quyền Palextin bị xâm hại, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các Nghị quyết Liên hợp quốc trong tiến trình hòa bình Trung Đông.

Phát biểu tại hội nghị, Quốc vương Saudi Arabia Salman Bin Abdel-Aziz nhấn mạnh, sự nghiệp của người Palestine là sự nghiệp ưu tiên hàng đầu của các nước Arab và sẽ luôn là như vậy cho tới khi người Palestine giành được tất cả các quyền hợp pháp.

Theo Quốc vương Saudi Arabia, việc thành lập nhà nước Palestine với thủ đô là Đông Jerusalem, là hai quyền chủ chốt của người Palestine. Đây cũng là quan điểm của tất cả 22 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên Liên đoàn Arập. Với tư cách là nước chủ nhà của Hội nghị, Saudi Arabia đã quyết định tăng hỗ trợ hàng tháng cho chính quyền Palestine lên 20 triệu USD.

Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel Al-Jubeir khẳng định: “Quốc vương của chúng tôi đã quyết định đặt tên hội nghị đỉnh các nước Arập là An Kút (Al –Quds), nghĩa là Jerusalem, như một lời khẳng định sự ủng hộ nhiều hơn của các nước Arập đối với người anh em Palextin. Saudi Arabia sẽ tăng số tiền hỗ trợ hàng tháng cho chính quyền Palestine từ 7,5 triệu USD lên 20 triệu USD”.

Ngoài khoản hỗ trợ hàng tháng, Saudi Arabia cũng đã thông báo về khoản tài trợ trị giá 150 triệu USD để hỗ trợ công tác bảo tồn di sản Hồi giáo tại Đông Jerusalem và 50 triệu USD cho Cơ quan Cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestin của Liên Hợp Quốc (UNRWA). Đây là tổ chức cung cấp viện trợ cho hơn 3 triệu người Palestine đang phải đối mặt với những khó khăn tài chính nghiêm trọng sau khi Mỹ tuyên bố cắt giảm tài trợ.

Giữa tháng trước, Cơ quan Cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc thông báo không còn đủ nguồn quỹ cần thiết để tiếp tục các hoạt động trong tương lai. Giám đốc tổ chức này Pierre Krahenbuhl đã kêu gọi một khoản tài trợ 441 triệu USD. Tuy nhiên, tới nay, họ mới chỉ nhận được 100 triệu USD quyên góp từ cộng đồng quốc tế. 

Về phần mình, tại hội nghị, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã kêu gọi hội nghị thông qua một kế hoạch hòa bình mà ông đề xuất lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hồi tháng 2 vừa qua. Theo Tổng thống Abbas, kế hoạch hòa bình này dựa trên Sáng kiến Hòa bình Arab, đồng thời kêu gọi tổ chức một hội nghị quốc tế ngay trong năm nay nhằm trao cho Palestine tư cách thành viên đầy đủ của Liên Hợp Quốc.

Trong một phản ứng bày tỏ sự ủng hộ đối với hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua đã gửi một bức thư, bày tỏ mong muốn hợp tác với Liên đoàn trong việc tìm ra các giải pháp hòa bình cho nhiều vấn đề “nóng” của khu vực như các vấn đề Syria, Iraq, Libya và Yemen.

Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng, cần phải tiếp tục cuộc chiến chống các nhóm khủng bố, luôn tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia Arab. Đặc biệt, Tổng thống Putin cho rằng, để ổn định tình hình Trung Đông về lâu dài, vấn đề trước hết cần phải giải quyết chính là Palestine./.