Phát biểu với báo giới ngày 9/8, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo các hoạt động tác chiến tại Iraq có thể kéo dài một thời gian và Mỹ sẽ không cử một lực lượng tác chiến mới đến Iraq. Thay vào đó, Mỹ có thể tiếp tục cung cấp hỗ trợ và cố vấn quân sự cho Chính phủ và lực lượng người Kurd ở Iraq. 

obama_statement_on_iraq_crisis_512x288_afp_nocredit_bvmb.jpgTổng thống Obama đã phát lệnh các cuộc không kích ở Iraq (ảnh: BBC)

Ông Obama nhắc lại tầm quan trọng của việc thành lập một Chính phủ đoàn kết của Iraq: “Chúng ta sẽ không đưa quân vào Iraq một lần nữa, bởi vì chúng ta cần rút ra bài học từ sự sa lầy ở Iraq trước đây mà chúng ta đã phải trả một cái giá đắt. Quân đội chúng ta sẽ giải quyết các vấn đề một cách hiệu quả nếu chúng ta triển khai một số lượng nhân viên và các nguồn lực đầy đủ vào Iraq. Nhưng điều quan trọng hiện nay là bản thân người dân Iraq phải có sự thỏa hiệp chính trị mà bất cứ một xã hội nào cũng cần”.

Cả Anh và Pháp đều lên tiếng ủng hộ chiến dịch không kích được coi là "cần thiết" của Mỹ nhằm vào nhóm phiến quân Hồi giáo. Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Francois Hollande trong cuộc điện đàm ngày 9/8 với Tổng thống Obama đều khẳng định hai nước này sẽ cùng Mỹ cung cấp sự hỗ trợ nhân đạo cho người dân Iraq.

Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Tình trạng khẩn cấp (COBRA) thuộc chính phủ Anh, Ngoại trưởng nước này Philip Hammond ngày 9/8 cho biết, hiện Anh đang phối hợp với Mỹ để cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Iraq: “Vào thời điểm hiện nay, chúng tôi tập trung vào các nỗ lực cứu trợ nhân đạo, nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đang gia tăng tại Iraq. Chúng tôi cũng chờ đợi một Chính phủ mới của Iraq sẽ được thành lập với sự tham gia của mọi đảng phái trong xã hội và chúng tôi sẽ hậu thuẫn các nỗ lực của họ”.

Nguồn tin Chính phủ Anh được tờ Điện tín dẫn lời cho biết nước này đang cân nhắc khả năng tham gia chiến dịch không kích của Mỹ nhằm vào lực lượng Hồi giáo cực đoan, để "ngăn chặn nguy cơ xung đột leo thang thành thảm họa diệt chủng”.

Các phương án đối phó với nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo cũng đã được Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra thảo luận trong cuộc họp ngày 9/8. Ba phương án gồm làm suy yếu khả năng tài chính của lực lượng thánh chiến Hồi giáo ở Iraq, ngăn chặn dòng chiến binh nước ngoài tràn vào Iraq và đe dọa trừng phạt những đối tượng chiêu mộ tân binh và tiếp tay cho nhóm này. Văn kiện trên do Anh soạn thảo và có thể sẽ sớm được đưa ra bỏ phiếu./.