Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon ngày 9/8 kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo Iraq thành lập 1 Chính phủ “có cở sở rộng rãi” để có thể đoàn kết các sắc tộc chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS – tức nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông trước đây). 

ban_tvpy.jpgTổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon (ảnh: CNN)

Trong một tuyên bố, Tổng thư ký Ban Ki-moon bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình nhân đạo và an ninh ở Iraq. Ông cho rằng một Chính phủ “có cơ sở rộng rãi” phải là một Chính phủ chấp nhận được đối với tất cả các thành phần xã hội của Iraq và có thể giúp người dân chống lại những mối đe dọa của nhóm Nhà nước Hồi giáo, đem lại an ninh và ổn định cho đất nước này.

Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng kêu gọi tất cả các đảng phái chính trị ở Iraq tuân thủ khung thời gian Hiến pháp quy định để đề cử một Thủ tướng mới. Theo hiến pháp Iraq, tân Tổng thống Fuad Masoum được Quốc hội bầu hôm 24/6 vừa qua phải đề cử 1 Thủ tướng vào ngày 8/8. Tuy nhiên, đã quá thời hạn này 2 ngày mà các liên minh chính trị chủ chốt vẫn chưa thể quyết định được ai sẽ là Thủ tướng mới của Iraq.

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 9/8 cũng kêu gọi các đảng phái ở Iraq nhanh chóng thống nhất vị trí Thủ tướng. Mỹ cũng vừa quyết định không kích để hỗ trợ lực lượng an ninh Iraq truy quét phiến quân với lời cam kết sẽ đảm bảo độ chính xác để các vụ tấn công này không gây thương vong cho dân thường.

Tổng thống Mỹ Barack Obama hiện chưa đưa ra thời hạn chấm dứt chiến dịch không kích này nhưng cho rằng vấn đề của Iraq không thể được giải quyết chỉ trong vài tuần. Bất chấp giao tranh ở Iraq, Mỹ vẫn duy trì Đại sứ quán ở Baghdad và lãnh sự quán ở Ibril, đồng nghĩa với việc các binh sỹ, cố vấn và nhân viên ngoại giao Mỹ vẫn hiện diện ở Iraq.

Tình hình an ninh tại Iraq tiếp tục xấu đi sau các cuộc đụng độ đẫm máu của quân đội Chính phủ và phiến quân hồi tháng 6 đến nay. Trong những ngày qua, đụng độ ở miền Bắc Iraq đã khiến 400.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Theo Phái bộ hỗ trợ của Liên Hợp Quốc ở Iraq (UNAMI), kể từ khi xung đột nổ ra hồi tháng 6 đến nay, khoảng 1,4 triệu người dân Iraq đã mất nhà cửa, trong đó có 230.000 người phải tị nạn./.