Ngày 18/4, Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản cho biết, không cần thiết phải đóng cửa nhà máy điện hạt nhân duy nhất ở đảo Kyushu, phía tây nam nước này, khu vực vừa xảy ra động đất và hàng loạt dư chấn làm ít nhất 42 người thiệt mạng, nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng.
Hiện, Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật bản đang theo dõi chặt chẽ tình hình tại bốn nhà máy điện hạt nhân khác, sau khi kêu gọi một cuộc họp đặc biệt với các thành viên giám sát.
Vấn đề an toàn trong các nhà máy điện hạt nhân được quan tâm chú ý ở Nhật Bản sau khi xảy ra thảm họa hạt nhân ở nhà máy điện Fukushima vào năm 2011 do tác động từ thảm họa kép động đất-sóng thần.
Sau thảm họa hạt nhân, chính phủ Nhật Bản đã đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân và lệnh tạm dừng kéo dài đến tháng 8 năm ngoái, khi một nhà máy điện hạt nhân được khởi động lại ở Sendai.
Trận động đất xảy ra ngày 14/4 vừa qua cùng hàng loạt các dư chấn mạnh xảy ra liên tiếp các ngày sau đó đã làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh ở Nhật Bản.
Hãng sản xuất ô tô lớn nhất của Nhật Bản Toyota thông báo từ ngày 18 - 23/4, 15 nhà máy lắp ráp xe thành phẩm của hãng sẽ ngừng hoạt động theo từng giai đoạn vì thiếu nguồn cung thiết bị, linh kiện do ảnh hưởng của trận động đất tại tỉnh Kumamoto.
Toyota ước tính sản lượng của hãng sẽ giảm 50.000 xe vì vụ động đất vừa qua. Các dư chấn động đất khiến các hoạt động nhằm phục hồi sản xuất hoặc chuẩn bị phương án sản xuất thay thế không thể thực hiện được.
Trong khi đó, hơn 30.000 nhân viên cứu hộ của Nhật Bản vẫn đang tìm kiếm những nạn nhân mất tích dưới các đống đổ nát và cung cấp lương thực, thực phẩm cho những người bị mất nhà cửa./.