1.Đến thời điểm này, đã có 23 người thiệt mạng trong trận động đất thứ 2 nâng tổng số người thiệt mạng ở cả 2 trận động đất lên ít nhất 29 người. Ngoài ra, còn hàng nghìn người bị thương và hàng chục nghìn người mất nhà cửa.

dong_dat_wtpn.jpg
Một tòa nhà đổ nghiêng sau trận động đất tại Nhật Bản. Ảnh AP

Theo CNN, các nhân viên cứu hộ ngày 16/4 vẫn tiếp tục chạy đua với thời gian để hy vọng cứu thêm được những người còn bị kẹt trong đống đổ nát của các tòa nhà do động đất gây ra.

Hai trận động đất trên đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại Nhật Bản. Nhiều xe ô tô bị lật nhào, các tuyến đường bị chia cắt và gây lở đất. Khu vực đảo Kyushu đã phải hứng chịu thêm tới 165 đợt dư chấn, trong đó có nhiều đợt mạnh tới 5,3 độ richter.

Cơ quan Phòng cháy và Quản lý Thảm họa Nhật Bản cho biết, cho đến nay đã có 7.262 người mất nhà cửa tìm đến 375 trung tâm hỗ trợ tại tỉnh Kumamoto.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, ít nhất vẫn còn tới 23 người bị kẹt trong các tòa nhà. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã điều 20.000 binh sĩ tham gia hỗ trợ nỗ lực tìm kiếm những người này.

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết, tâm chấn trận động đất mới nhất (7,3 độ richter) diễn ra tại khu vực Tây-Tây Nam tỉnh Kumamoto và cách trận động đất trước đó khoảng 13km về phía Nam-Đông Nam.

2.Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cùng người đồng cấp Philippines Gazmin đã cùng có mặt trên tàu sân bay USS John C. Stennis đi thị sát Biển Đông.

Đây đã là lần thứ 2 trong 5 tháng qua, ông Carter lên một chiếc tàu sân bay của Mỹ để thị sát Biển Đông nhằm gửi một thông điệp mạnh mẽ về tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực đến Trung Quốc.

Tàu sân bay USS John C. Stennis. Ảnh Hải quân Mỹ

Việc hiện diện trên tàu sân bay USS John C. Stennis cùng quan chức đồng minh Philippines cho thấy Mỹ luôn thực thi đầy đủ cam kết của mình đối với các đồng minh nhằm đối phó với việc Trung Quốc ngày càng có những động thái làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông bằng việc cải tạo phi pháp các bãi đá thành đảo nhân tạo và xây dựng trái phép nhiều đường băng phục vụ mục đích quân sự tại đây.

Theo ông Carter, sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông là do những hành vi hiếu chiến của Trung Quốc từ năm ngoái. “Đó là do những gì Trung Quốc đã gây ra”, ông Carter nói: “Những gì mới diễn ra không phải là việc Mỹ điều tàu sân bay vào khu vực mà là những căng thẳng vẫn tồn tại tại đây mà Mỹ quyết tâm làm dịu đi”.

Phát biểu với các binh sĩ trên tàu USS John C. Stennis, ông Carter cũng tuyên bố, Mỹ muốn hợp tác với Trung Quốc và cảnh báo Trung Quốc đừng nên tự tìm cách cô lập mình.

3. Việc Nga bán S-300 cho Iran đã vô hiệu hóa lời đe dọa tấn công Iran của Israel và khiến quan hệ Iran-Thổ Nhĩ Kỳ-Saudi Arabia thêm căng thẳng.

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 của Nga. Ảnh Sputnik

Theo Sputnik News, nhận định trên được nhà phân tích chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Gunes đưa ra trong cuộc phỏng vấn ngày 15/4. Ông Gunes nhấn mạnh, hệ thống S-300 sẽ giúp tăng cường đáng kể năng lực phòng thủ của Iran.

“Tình hình căng thẳng liên quan đến việc Nga bán hệ thống phòng thủ S-300 cho Iran đến từ những lời lẽ khiêu khích và đe dọa của Israel và Saudi Arabia.

Tuy nhiên, S-300 là hệ thống phòng thủ chứ không phải hệ thống tấn công nên không thể đe dọa bất kỳ quốc gia nào. S-300 được thiết kế để bảo vệ không phận của một quốc gia trước nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa”, ông Gunes nói.

Theo ông Gunes, việc Nga bán S-300 cho Iran khiến Israel và Saudi Arabia “giật mình” bởi những nước này từng nhiều lần đe dọa tấn công tên lửa vào Iran.

“Israel và Saudi Arabia đã không dưới một lần tuyên bố về khả năng phóng tên lửa tầm trung tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, lời đe dọa đó giờ đã trở nên lỗi thời vì Iran đã sở hữu S-300”, ông Gunes nói.

4.Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski tuyên bố IS và các nhóm khủng bố khác không gâynguy hại nhiều đến châu Âubằng... Nga.

RT dẫn lời ông Waszczykowski phát biểu ngày 15/4 tại Diễn đàn An ninh Globsec tại Bratislava, Slovakia, nhấn mạnh: “Mọi bằng chứng đều cho thấy, các hoạt động của Nga gây ra mối đe dọa rõ ràng và có thể gây tổn hại đến các nước”.

Phiến quân IS được Ngoại trưởng Ba Lan cho là "không nguy hiểm" đến châu Âu bằng Nga. Ảnh AP

Thậm chí, khi được hỏi về mối đe dọa từ IS đến châu Âu so với Nga, ông Waszczykowski còn khẳng định: “Đó không phải là mối đe dọa rõ ràng đối với châu Âu. Châu Âu cũng đang phải đối mặt với một số mối đe dọa không rõ ràng tương tự, bao gồm chủ nghĩa khủng bố và làn sóng người nhập cư”.

Tuy nhiên, theo RT, các chính trị gia Ba Lan không hề xa lạ gì với những tuyên bố đầy hằn học nhằm về phía Nga và luôn coi Nga là mối đe dọa toàn cầu.

Đáng ngạc nhiên hơn, không ai có mặt tại diễn đàn Globsec lên tiếng phản bác quan điểm của Ngoại trưởng Ba Lan rằng Nga “gây ra mối đe dọa rõ ràng” trong khi IS thì không dù châu Âu đã nhiều lần rung chuyển bởi các cuộc tấn công của IS.

Theo CNN, từ khi tuyên bố thành lập tháng 6/2014, IS đã thực hiện ít nhất 90 vụ tấn công khủng bố tại 21 quốc gia ngoài Iraq và Syria khiến ít nhất 1.390 người thiệt mạng và 2.000 người bị thương. Riêng tại châu Âu, IS đã thực hiện 14 vụ tấn công.

5. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đúng sinh nhật ông Kim Nhật Thành.

Theo Hội đồng Bảo an, vụ phóng tên lửa này vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc dù đã thất bại. Hội đồng Bảo an lên tiếng yêu cầu Triều Tiên cần kiềm chế không được có những hành động vi phạm nghị quyết cấm Bình Nhưỡng phát triển tên lửa đạn đạo.

Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh KCNA

Hội đồng Bảo an cảnh báo sẽ theo dõi sát sao tình hình và sẵn sàng “có những hành động cứng rắn” nhằm vào Triều Tiên. “Dù vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã thất bại, vụ phóng tên lửa này vẫn cho thấy Triều Tiên vi phạm rõ ràng nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, tuyên bố của Hội đồng Bảo an nêu rõ.

Khi được hỏi về vụ phóng tên lửa thất bại này của Triều Tiên, người phát ngôn Liên Hợp Quốc Farhan Haq cho biết: “Chúng tôi đã nhận được những báo cáo về những động thái đáng lo ngại gần đây của Triều Tiên. Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Triều Tiên cần kiềm chế”./.