Tại một cuộc họp khẩn cấp ở Brussels, Ngoại trưởng các nước Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha đã cự lại các lời kêu gọi tiến hành trừng phạt thương mại đối với Nga. Thay vào đó, họ giới hạn các cuộc thảo luận vào việc đóng băng các cuộc hội đàm với Nga về tự do hóa thị thực nhằm tạo điều kiện cho công dân Nga thăm châu Âu.
Xuồng hải quân Nga bảo vệ tàu chiến Nga tại khu vực cảng Sevastopol (ảnh: EPA) |
Trong khi đó, một bức ảnh chụp tài liệu mật của chính phủ Anh ngay tại khu vực phố Downing (London) đã cho thấy Anh “hiện nay sẽ không ủng hộ các chế tài thương mại hay đóng cửa trung tâm tài chính của London với các công dân Nga”.
Anh lưỡng lự trong chuyện trừng phạt Nga vì quá trình phục hồi của kinh tế Anh vẫn còn mong manh. Giống như nhiều nước EU khác, đặc biệt là Đức, nước Anh nhập khẩu tới 40% lượng dầu khí của mình từ Nga.
Còn Đức, thay vì tìm kiếm hay ủng hộ biện pháp mạnh tay, thì lại thúc đẩy ý tưởng “nhóm liên hệ” đi Ukraine và theo dõi các phàn nàn của hai phe sau khi Nga kiểm soát Crimea.
Trong khi đó, tình hình tại Crimea đã có tác động đến nền kinh tế Nga. Đồng rouble đã giảm 2% so với đồng USD và thị trường chứng khoán Nga đã mất 55 tỷ USD vào hôm 3/3 do tình trạng bất ổn khiến giới đầu tư mất lòng tin. Giá của công ty Gazprom – hãng dầu khổng lồ của Nga chuyên xuất khẩu sang EU thông qua Ukraine đã giảm tới 12 tỷ USD.
Tuy nhiên, Nga vẫn nắm chắc Crimea. Mỹ thừa nhận Nga làm chủ tình hình ở Crimea bằng 6.000 binh sĩ lục quân và không vận.
>> Xem thêm: Liệu bán đảo Crimea có tách khỏi Ukraine?
Vào sáng 3/3, tin tức cho hay lính Nga đã củng cố hơn nữa sự kiểm soát của họ đối với vùng tự trị này sau khi chiếm một bến phà tại thành phố cảng Kerch cách Nga 12 dặm.
Số binh sĩ này được phản ánh là nói tiếng Nga, đi xe mang biển số Nga. Tuy nhiên họ từ chối khẳng định danh tính của họ.
Hãng Interfax đưa tin, chiến đấu cơ phản lực của Nga đã hai lần đi vào không phận Ukraine bên trên Biển Đen vào ban đêm. Phía Ukraine đã tung 1 máy bay lên để ngăn chặn.
Biên phòng Ukraine cho biết xe thiết giáp tập trung gần một bến phà bên bờ Nga của kênh Kerch giữa 2 nước, các tàu biển của Nga cũng được quan sát di chuyển đến và xung quanh thành phố Sevastopol, và lực lượng Nga đã cắt điện thoại tại một số khu vực.
Đại sứ Pháp Gerard Araud chia sẻ, diễn biến tại Crimea khiến ông nhớ lại vụ Liên Xô can thiệp vào Tiệp Khắc năm 1968
Về phần mình Đại sứ Nga Vitaly Churkin coi các lãnh đạo của chính quyền mới ở Kiev là các phần tử “dân tộc cực đoan bài Nga”.
>> Đọc thêm: Nga tập trận sát Ukraine, Mỹ lo sợ 1 Gruzia thứ 2
Ông nay nhắc lại việc Pháp trước kia từng ngăn người biểu tình hòa bình đeo mặt nạ trên phố và nhắc nhở người Mỹ về việc cựu Tổng thống Ronald Reagan đã xâm lược quốc gia Grenada vào năm 1983 để bảo vệ 1.000 dân Mỹ.
“Chúng tôi có hàng triệu người nói tiếng Nga sống ở Crimea, và chúng tôi lo cho những quan ngại của họ”, ông Churkin nói./.