Vào đêm 27/2, các tay súng không rõ danh tính đã chiếm tòa nhà Quốc hội và tòa nhà nội các của khu vực Crimea nằm ở phía nam Ukraine. Những lá cờ Nga đã được kéo lên bên trên cả hai tòa nhà này.

Hành động trên cho thấy sự đối đầu giữa những người ủng hộ và phản đối việc thay đổi chính quyền ở Kiev đã lan tới Cộng hòa tự trị Crimea.

Bán đảo Crimea trở thành lãnh thổ Ukraine ra sao

Trong lịch sử dài của mình, Crimea đã từng thuộc về nhiều nước khác nhau. Khu vực này cũng từng đứng độc lập trong một thời gian ngắn. Năm 1441, Crimea đã trở thành một quốc gia độc lập do một Khan người Tartar lãnh đạo, tuy nhiên quá trình độc lập này không kéo dài.

crimea%202%20copy.jpg
Quốc kỳ Nga (phải) tung bay bên cạnh lá cờ Crimea trên nóc tòa nhà Quốc hội Crimea hôm 27/2 (ảnh: Reuters)

Năm 1475, vua Khan trở thành chư hầu của Đế chế Ottoman. Trong 3 thế kỷ, người Tartar ở Crimea bị người Ottoman cai trị, cho dù họ được hưởng quyền tự trị cao. Họ bảo vệ Đế chế Ottoman khỏi các cuộc tấn công từ phương bắc, và bảo đảm cho dòng chảy nô lệ được ổn định. Năm 1774, sau khi xảy ra thêm một cuộc chiến Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, quốc vương Khan của xứ Crimea trở thành chư hầu cho người Nga hơn là cho đế chế Ottoman.

  >> Xem thêm: Toàn cảnh trận chiến đường phố đẫm máu tại Kiev

Cho đến tận năm 1944, cư dân Crimea gồm cả người Nga và người Tartar sinh sống với nhau. Người Đức đã chiếm đóng vùng này hai lần (năm 1918 và vào giai đoạn 1941-1944). Trong thời Cách mạng Bolshevik, Crimea trở thành một phần của nước Nga Xô viết.

Chính quyền Moscow ủng hộ Tatar, và bán đảo này trở thành một nước cộng hòa tự trị. Nhưng sau Thế chiến thứ 2 và thời kỳ chiếm đóng của Đức, nhiều người Tartar hợp tác với Đức Quốc xã. Kết quả là người Nga đã nổi giận và đày những phần tử Tartar này về phía đông.

Năm 1954, Crimea mất vị thế cộng hòa tự trị và trở thành một đơn vị hành chính của Ukraine. Quyết định trên nhằm kỷ niệm 300 năm Hội đồng Pereyaslav – cơ quan đã phê chuẩn việc tái thống nhất Ukraine và Nga. Tuy nhiên, sự thực là động thái trên liên quan nhiều hơn đến vị trí địa lý của Crimea. Việc quản lý bán đảo này từ Kiev sẽ dễ dàng hơn nhiều là từ Moscow.

Suýt chiến tranh lần nữa tại Crimea

Vào thập niên 1990 có nhiều căng thẳng bên trong và xung quanh Crimea. Sau khi giành độc lập (1991), Ukraine thực thi chính sách Ukraine hóa bán đảo này, khiến họ gặp phải kháng cự mạnh từ cộng đồng dân cư địa phương. Người Tartar, vốn được trao quyền trở lại Crimea, đã tận dụng tình trạng hỗn loạn khi ấy để đòi lại những phần đất và đặc quyền mà họ đã mất. Vấn đề gây tranh cãi nhất là căn cứ chính của Hạm đội Biển Đen Xô viết ở Sevastopol.

  >> Đọc thêm: Vì sao Nga sẽ không can thiệp vào Ukraine?

Người gốc Nga chiếm tới gần 60% dân số Crimea. Đã vậy có tới 97% người Crimea nói tiếng Nga (so với 10% nói tiếng Ukraine) (ảnh: RIA Novosti)

Cuối cùng, Crimea đã không ly khai khỏi Ukraine, mà được trao một số đặc quyền nhất định. Trong tất cả các tỉnh của Ukraine, đó là nơi duy nhất hưởng vị thế một nước cộng hòa tự trị. Crimea về cơ bản vẫn được phép mang tính chất Nga. Các thay đổi chủ yếu là bề ngoài, như biển phố mới bằng tiếng Ukraine. Khu vực này vẫn tương đối yên bình cho tới khi nổ ra khủng hoảng gần đây.

Các quyền dành cho bán đảo

Có 2 nhân tố quan trọng phải xem xét khi thảo luận tương lai của Crimea: yếu tố văn hóa-dân tộc và yếu tố kinh tế.

Crimea là bộ phận “Nga nhất” của nước Ukraine. Dân số vùng này có tới 58% là dân tộc Nga, 24% dân tộc Ukraine, và 12% sắc tộc Tartar. Tiếng Nga là ngôn ngữ mẹ đẻ của 3/4 người Crimea. Tuy nhiên, chỉ có 10% tuyên bố tiếng mẹ đẻ của họ là tiếng Ukraine. Theo Viện Xã hội Quốc tế Kiev, tới 97% người Crimea nói tiếng Nga.

Crimea không có tầng lớp “tinh hoa” kinh tế gắn liền lợi ích với châu Âu. Kinh tế vùng này đã bị tàn phá trong các năm Ukraine độc lập. Vào cuối thập niên 1990, tầng lớp chóp bu của Ukraine đã giành lấy nhiều khu nghỉ dưỡng béo bở của Crimea, và bắt đầu đầu tư nhỏ giọt vào một số khu “resort” này, nhưng không đầu tư một cách dài hơi vào cả khu vực.

  >> Mời đọc: Ukraine trong thế giằng xé Đông-Tây

Vì các lý do kinh tế và văn hóa, Crimea không thể thờ ơ với diễn biến ở Kiev. Phản ứng đầu tiên của dân địa phương là nổi giận, sau đó là yêu cầu khôi phục trật tự. Sự gia tăng căng thẳng trùng hợp với việc kỷ niệm 360 năm Hội đồng Pereyaslav và kỷ niệm 60 năm Crimea trở thành một phần lãnh thổ của Ukraine, đến nay đã tạo ra làn sóng phản ứng hoàn toàn chính thức.

Ba kịch bản

Kịch bản thứ 1 là mọi thứ sẽ tự dàn xếp đâu vào đấy. Tuy nhiên, dường như người duy nhất tin vào điều này là ông Viktor Yanukovych. Cơ may xảy ra kịch bản này rất mong manh.

Kịch bản thứ 2 là Crimea sẽ nhận được quyền tự trị lớn hơn từ tân chính phủ ở Kiev. Kịch bản này sẽ trở thành hiện thực chỉ khi nào ổn định được khôi phục lại ở một mức độ nhất định, mà điều này chỉ khả thi nếu các bên nhất trí với quá trình liên bang hóa nước Ukraine. Nhưng những người ủng hộ Ukraine độc lập lại e sợ quá trình liên bang hóa.

  >> Tái hiện: Trận chiến giải phóng Kiev khỏi ách phát xít

Kịch bản thứ 3 là Crimea sẽ tách khỏi Ukraine và trở thành một “quốc gia nữa không được công nhận” dưới sự bảo hộ của Nga. Kiev không đủ lực để ngăn chặn điều này, thậm chí cả khi người ta đã có được một chính phủ hoạt động hiệu quả ở thủ đô của Ukraine.

Ukraine không có quân đội hiệu quả cao và do cuộc khủng hoảng, nước này cũng gần như không còn chút đòn kinh tế nào nữa để mà tung ra. Tuy nhiên kịch bản thứ 3 này có thể làm bùng phát một cuộc xung đột bên trong Crimea – giữa những người Tartar và người gốc Nga chung sống trên bán đảo./.