Bụi bặm phủ khắp người từ đầu đến chân sau khi được kéo ra khỏi chính ngôi nhà sụp đổ của mình sạu một trận bom oanh tạc, cậu bé ngồi sau chiếc xe cứu thương đầy ngơ ngác và hoảng sợ. Cậu bé sống sót thần kỳ trong cuộc không kích tại Aleppo vào ngày 17/8 được các bác sỹ Syria nhận diện là Omran Dagneesh (5 tuổi).

Bức ảnh này nằm trong một đoạn video do Trung tâm Truyền thông Aleppo đăng tải trên mạng xã hội YouTube.

ht_aleppo_child_air_strike_hb_160817_12x5_1600_xlih.jpg

Cuộc chiến tranh tàn bạo tại Syria qua ánh mắt trẻ thơ

Đoạn video này cho thấy cảnh Omran đáng thương được cứu từ đống đổ nát ở khu vực lân cận Qaterij do phiến quân kiểm soát ở thành phố Aleppo, nơi quân đội Nga hoặc quân đội chính phủ Syria bị tình nghi tiến hành không kích. Người đàn ông đưa Omran ra khỏi đống đổ nát đặt cậu bé xuống một chiếc ghế màu da cam. Cậu bé dụi mắt và phủi mặt sau khi người đàn ông đi khỏi rồi lau khô vết máu và mảnh vụn vương vãi trên ghế.

Nhà báo Mahmoud Raslan, người đã chớp được hình ảnh đầy xúc động này, cho biết các nhân viên cứu hộ và các nhà báo đã cố gắng giúp cậu bé cùng bố mẹ cậu và anh chị em ruột của cậu bé thoát khỏi ngôi nhà sụp đổ.

Omran được đưa tới bệnh biện để điều trị vết thương ở đầu.

Bác sỹ Osama Abu al-Ezz ở Aleppo cho biết cậu bé được đưa đến bệnh viện M10. Các nhân viên y tế ở đây sử dụng tên mã cho các bệnh viện nhằm bảo vệ các bệnh viện này khỏi các cuộc tấn công. Bác sỹ này cho biết cậu bé được ra viện sau khi được điều trị.

Bác sỹ phẫu thuật Mohammad, người đã điều trị vết thương cho cậu bé nói: "Omran không hề khóc. Dường như mọi việc diễn ra lúc cậu bé đang ngủ. Cậu bé vô cùng may mắn vì chỉ bị thương nhẹ vào da đầu. Chúng tôi đã làm sạch và khâu vết thương cũng như rửa mặt và gột rửa vết bẩn trên quần áo cậu. Không có tổn thương sọ não nên Omran được ra viện sau hai tiếng điều trị”.

Tuy nhiên, anh trai của Omran, Ali (10 tuổi) đã không qua khỏi vì bị thương nặng.

Trong một vài giờ sau khi được đăng tải trên mạng Twitter, hình ảnh đầy xúc động này đã được chia sẻ hàng chục ngàn lần và "gây bão” trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chủ tịch kiêm CEO Uỷ ban Cứu hộ Quốc tế David Miliband đã viết: "Khuôn mặt dính đầy máu và đầy thảng thốt của một đứa trẻ sống sốt lột tả sự ghê rợn của cuộc chiến tranh ở Aleppo”.

Nhà báo Anna Ahronheim chia sẻ: "Cậu bé này tên là Omran, 5 tuổi. Cậu ta không biết gì ngoài chiến tranh trong cuộc đời của mình. Bạn hãy thử hình dung nếu như đó là con của mình."

Đã từ lâu, Aleppo trở thành chiến trường ác liệt giữa quân đội của chính phủ và phiến quân. Gần đây, thành phố Aleppo của Syria đặc biệt thu hút sự chú ý quốc tế bởi cuộc khủng hoảng về cứu trợ nhân đạo ngày càng tồi tệ.

Thành phố Aleppo đang bị bủa vây kể từ khi các lực lượng chính phủ do Tổng thống Syria Bashar al-Assad cầm đầu, chặn ở Đường Castello, con đường cuối cùng dẫn vào các khu vực của thành phố do phiến quân nắm giữ. Con đường "sống” này đã bị cắt đứt gần một tháng trước, gây ra tình trạng khan hiếm thực phẩm và đẩy giá cả tăng đến chóng mặt ở ở các quận phía Đông Aleppo.

Song trong một trận đánh lớn vào đầu tháng 8, liên minh gồm phiến quân, người Hồi giáo và các chiến binh jijhad giao tranh với các lực lượng của chính phủ đã chặn đứng con đường tiếp cận chính của quân chính phủ ở vạt phía Nam của thành phố Aleppo, khiến hàng triệu dân thường rơi vào tình trang thiếu cả điện lẫn nước.

Vào tuần qua, Nga, nước đã cử quân đến trợ giúp đồng minh Assad bấy lâu của mình, đã công lệnh nừng bắn 3h mỗi ngày trong vòng ba ngày tại Aleppo để tạo điều kiện cho việc thực hiện các hoạt động tiếp tế và cứu trợ nhân đạo cho thành phố.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeir đã chỉ trích giải pháp này vì cho rằng 3 giờ ngừng bắn không đủ để đưa hàng cứu trợ cần thiết vào thành phố. Hưởng ứng lời kêu gọi Liên Hiệp Quốc (UN), ông Steinmeier yêu cầu tiến hành lệnh ngừng bằn hoàn toàn.

Theo ước tính, ít nhất 400.000 người thiệt mạng kể từ cuộc xung đột ở Syria bùng phát vào tháng 3/2011. Ngoài ra, hàng triệu người đã phải đi biệt xứ, dẫn đến cuộc khủng hoảng nhập cư ở khắp Trung Đông và châu Âu.

Bức ảnh này làm chúng ta gợi nhớ lại hình ảnh thi thể cậu bé Syria Aylan Kurdi ba tuổi trôi dạt bên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ gây chấn động thế giới vào năm ngoái.

Mỹ cũng đã có phản ứng về tấm ảnh gây sốc đang được lan truyền trên các mạng xã hội khắp thế giới. Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Mỹ John Kirby nói: "Cậu bé này chưa có một ngày trong đời mình mà không có chiến tranh, chết chóc, huỷ diệt và nghèo đói trên quê hương mình. Bạn không cần phải là người cha như tôi để nhìn bức ảnh này mới có thể thấy bộ mặt thật của những gì đang diễn ra tại Syria."

Ông cho biết: "Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tiếp tục thúc giục Nga hợp tác với mình về một loạt các đề xuất mà hai bên đã nhất trí ở Moscow và các nhóm vẫn đang nỗ lực bạch ra, cố gắng đạt được sự đình chiến có tính thực thi hơn trên khắp đất nước Syria một cách lâu dài"./.