Những khác biệt trong nhóm Các nền kinh tế mới nổi (BRICS) liên quan tới hệ thống viễn thông thế hệ thứ 5 (5G) có thể sẽ xuất hiện trong thời gian tới. Trung Quốc vừa đưa ra đề xuất BRICS thành lập một cơ sở nghiên cứu sáng tạo chung về công nghệ 5G và trí tuệ nhân tạo (AI). Tuy nhiên, Ấn Độ, một thành viên của BRICS lại vừa loại hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc khỏi danh sách các công ty tham gia phát triển 5G ở nước này.
Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc Xiao Yaqing vừa đề xuất nhóm BRICS gồm 5 nước: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi thành lập một trung tâm đổi mới sáng tạo chung để nghiên cứu và phát triển công nghệ 5G và trí tuệ nhân tạo. Theo đó, phía Trung Quốc “hối thúc các nước đối tác, bao gồm cả Ấn Độ, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ, gồm cả 5G và AI”. Truyền thông Trung Quốc cũng cho biết, nước này “đang tích cực cân nhắc việc thiết lập một cơ sở nghiên cứu của BRICS nhằm tăng cường hợp tác thực chất với các thành viên”.
Động thái này đặt ra nhiều câu hỏi khó trả lời với Ấn Độ bởi nước này vừa đưa ra quyết định dừng hợp tác với hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc nhằm triển khai 5G. Ấn Độ bỗng nhiên trở thành thành viên duy nhất trong BRICS không chấp nhận để Trung Quốc tham gia xây dựng mạng viễn thông 5G trong tương lai. Nga đã cho biết sẽ cùng hợp tác với Trung Quốc nhằm triển khai công nghệ 5G. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hồi đầu tháng này cho biết Moscow luôn cởi mở với Huawei cho dù hãng này bị cấm tại Mỹ.
Tại Nam Phi, Huawei cũng đang cung cấp dịch vụ cho 3 nhà mạng của nước này để triển khai hệ thống 5G trong thời gian tới. Brazil gần đây đã cho phép Huawei được tham gia thử nghiệm 5G, nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Phó Tổng thống Brazil Hamilton Mourao trong tháng 8 cũng để ngỏ khả năng cấp phép cho Huawei khi cho biết “hơn 1/3 mạng viễn thông 4G của Brazil hiện sử dụng các thiết bị của Huawei”. “Huawei có năng lực vượt trội so với các đối thủ. Chúng tôi không thấy khả năng cạnh tranh và chiến thắng của các công ty Mỹ trong trường hợp đấu thầu quốc tế”, Phó Tổng thống Brazil Hamilton Maurao nói.
Ấn Độ gần như sẽ không cho phép các công ty Trung Quốc tham gia xây dựng mạng viễn thông 5G, đặc biệt sau khi nước này đã siết chặt các khoản đầu tư của Trung Quốc. New Delhi còn cấm 59 ứng dụng di động có liên quan tới Trung Quốc sau khi viện dẫn các nguy cơ với an ninh quốc gia. Lệnh cấm này là hệ quả của cuộc đối đầu kéo dài tại biên giới giữa hai nước, nhất là sau vụ đụng độ chết người hôm 15/6 tại thung lũng Galwan. Ngoài ra, Ấn Độ cũng bày tỏ quan ngại rằng nhiều công ty Trung Quốc như Huawei có các liên hệ trực tiếp và gián tiếp với quân đội Trung Quốc./.