Chương trình nghị sự của cuộc gặp năm nay được dự báo là khá dày đặc với một loạt vấn đề quốc tế gây căng thẳng hiện nay như cuộc khủng hoảng Syria, cuộc khủng hoảng nhập cư, vấn đề khí hậu và đặc biệt là cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
Hội nghị cấp cao G20 diễn ra 2 ngày sau vụ tấn công đẫm máu nhằm vào nước Pháp, lãnh đạo các nền kinh tế giàu nhất thế giới còn có thêm một trọng trách nữa là xây dựng một mặt trận chung chống lại nỗi khiếp sợ mà chủ nghĩa cực đoan và khủng bố đang gieo rắc, dù vẫn còn bất đồng trong nhiều hồ sơ quốc tế.
Các nhà lãnh đạo tại hội nghị cấp cao G20 ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ. (ảnh: AFP). |
Theo Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, chống khủng bố sẽ là một trọng tâm lớn của hội nghị G20 năm nay: “Vụ tấn công tại Paris là một vụ tấn công nhằm vào toàn thể nhân loại. Có thể nói tất cả chúng ta đều có chung một lý tưởng, một mục tiêu là bảo vệ các giá trị và cuộc sống của mình, cũng như làm thất bại những kẻ khủng bố và những âm mưu tấn công của chúng nhằm vào chúng ta”.
Các lãnh đạo G20 cho biết thêm, các nước thành viên cần chia sẻ thông tin tình báo, kiểm tra các cửa khẩu và đẩy mạnh an ninh hàng không nhằm ngăn chặn sự đi lại của các phần tử khủng bố. Các nhà lãnh đạo G20 nêu quyết tâm chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực, tuyển mộ và ngăn chặn bọn khủng bố sử dụng công nghệ, như Internet.
Việc phát hiện một hộ chiếu Syria gần thi thể một trong những kẻ tấn công khủng bố ở Pari, Pháp, đã dấy lên mối lo ngại một số kẻ tấn công có thể đã vào châu Âu bằng cách xâm nhập vào dòng người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc nội chiến Syria. Nhà chức trách Hy Lạp và Serbia xác nhận, hộ chiếu vừa nêu thuộc một người đàn ông tị nạn hồi tháng 10 trên đảo Leros của Hy Lạp và vài ngày sau xin tị nạn tại Serbia.
Hiện các cường quốc vẫn còn những bất đồng về cuộc chiến tại Syria sau hơn 4 năm bùng phát, cướp đi sinh mạng của hơn 250.000 người và đã cơ hội cho những kẻ thánh chiến cực đoan phát triển.
Chính vì thế, cuộc gặp giữa các nước phương Tây và Nga tại Antalya này được dự báo là sẽ không khác gì những cuộc gặp trước đó. Không một cuộc gặp song phương nào dự kiến sẽ diễn ra giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Hai tuần sau chiến thắng tại cuộc bầu cử Quốc hội, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan muốn nhân hội nghị này để tái khẳng định vai trò đối tác không thể chối cãi của nước này.
Người đứng đầu Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn đưa ra bàn thương thuyết ý định của mình thiết lập một vùng an ninh tại miền Bắc Syria để tiếp nhận người tị nạn, mà các nước đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ tới nay vẫn bác bỏ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay tại châu Âu, Tổng thống Erdogan đang có nhiều hi vọng hơn lúc nào hết. Đang phải đối mặt với cuộc cuộc khủng hoảng di cư chưa từng có, chủ yếu là từ Syria, Liên minh châu Âu đang nỗ lực thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ và những nước giáp giới Syria chia sẻ gánh nặng để đổi lại các khoản hỗ trợ tài chính.
Hai tuần trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu tại Paris, hội nghị cấp cao G20 cũng là cơ hội để củng cố những cam kết về một thỏa thuận cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân của tình trạng nóng ấm toàn cầu cũng như những cam kết về tài chính.
Về mặt kinh tế, sự chững lại của tăng trưởng Trung Quốc tiếp tục khiến các thị trường lo ngại, đặc biệt là những nước mới nổi. Cùng với đó cuộc khủng hoảng tại khu vực đồng euro dù không còn nóng song cũng được đề cập tới và được coi như một một thông điệp về niềm tin đối với sự ổn định của tình hình kinh tế thế giới./.