Ở thành phố Zabadani, một lượng lớn bom thùng, súng cối hạng nặng đang được sử dụng bừa bãi trong các đợt giao tranh giữa quân đội chính phủ và lực lượng nổi dậy.

Bom chum duoc su dung tran lan o Syria hinh anh
Một lượng lớn bom thùng, súng cối được sử dụng tràn lan ở thành phố Zabadani. (ảnh: BBC)

Đặc phái viên Mistura kêu gọi tất cả các bên xung đột duy trì nguyên tắc bảo vệ dân thường, đồng thời hối thúc chính phủ Syria ngăn chặn việc sử dụng các loại vũ khí bừa bãi tại các thành phố nước này.

Người phát ngôn của Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Vanina Maestracci nói:“Trong tuyên bố của mình, đặc phái viên Mistura đã trích dẫn những nguồn tin địa phương đáng tin cậy cho thấy, một lượng lớn bom chùm đang được thả xuống các khu dân cư ở thành phố Zabadani, phía Bắc thủ đô Damascus. Trong khi đó, có các bằng chứng  cho thấy nhóm Army Conquets đã trả đũa lực lượng chính phủ bằng việc bắn rốc két và súng cối hạng nặng liên tiếp tại các ngôi làng gần Ilid, Alphua và Kefraya, nơi một lượng lớn dân thường đang bị mắc kẹt trong các cuộc giao tranh”.

Đặc phái viên Mistura đang có một loạt chuyến công du tham vấn các nước trong khu vực nhằm tìm cách chấm dứt tình trạng bạo lực ngày một leo thang ở Syria. Hôm qua, tại cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Iran Amir-Abdollahian ở Tehran, cả hai đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria.

Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố, Tehran tiếp tục ủng hộ cải cách ở Syria song phản đối bất kỳ “ý tưởng” nào gây phức tạp thêm tình hình tại  nước này. Và rằng, bất cứ sự thay đổi nào đều phải được tiến hành bởi người dân Syria. Đặc phái viên Mistura một lần nữa nhấn mạnh sẽ là vô ích và phản tác dụng nếu các bên chọn giải quyết khủng hoảng Syria bằng giải pháp quân sự.

Cùng ngày, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng lên tiếng báo động về tình hình nhân đạo tiếp tục xấu đi tại nhiều vùng dân cư, đặc biệt ở thành phố  Aleppo. Nguồn cung cấp nước bị cắt  từ một tháng qua, ảnh hưởng đến hơn 1 triệu người dân và làm bùng phát các căn bệnh truyền nhiễm ở trẻ em.

Trong khi đó, các nhân viên cứu trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc không thể tiếp cận được do các cuộc giao tranh diễn ra ác liệt. Kể từ khi bùng phát năm 2011, đến nay xung đột ở Syria đã làm hơn 230.000 người thiệt mạng, đẩy 12 triệu người vào cảnh bần cùng và cần được cứu trợ khẩn cấp./.