Cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales ngày 11/11 đã được cấp quy chế tị nạn chính trị tại Mexico, sau quyết định từ chức với hơn 14 năm cầm quyền. Các nhà lập pháp Bolivia cũng bắt tay ngay vào tiến trình lựa chọn Tổng thống lâm thời để ổn định tình hình đất nước, cũng như dẫn dắt Bolivia hướng đến cuộc bầu cử mới.

morales_aewg.jpg
Ông Evo Morales. Ảnh: EPA

Các quan chức Mexico ngày 11/11 cho biết, ông Evo Morales đã lên máy bay tới nước này vào tối cùng ngày (theo giờ địa phương), sau khi Chính phủ Mehico cấp quy chế tị nạn chính trị cho cựu Tổng thống Bolivia. Theo Ngoại trưởng Mehico Marcelo Ebrard, quyết định này sẽ được thông báo cho Tổ chức các nước châu Mỹ, Liên hợp quốc, viện dẫn các thỏa thuận quốc tế về việc bảo vệ cuộc sống, sự tự do, an toàn của ông Morales.

Ngoại trưởng Mehico Marcelo Ebrard  cho biết: “Bộ Ngoại giao Mehico đã quyết định cấp tị nạn chính trị cho ông Morales do các vấn đề nhân đạo và tính đến các tình huống khẩn cấp tại Bolivia có thể khiến tính mạng của ông bị gặp nguy hiểm. Tôi cũng đang chuẩn bị mọi điều kiện để kêu gọi sự ủng hộ đối với quyết định này. Chúng tôi cũng  thực hiện các tiến trình theo qui chuẩn quốc tế, gửi tới Bộ ngoại giao Bolivia, đề nghị sự đảm bảo an toàn về cuộc sống, sự tự do của ông Morales. Ông Morales sẽ được an toàn”.

Việc ông Morales từ chức đã khiến quốc gia này rơi vào bất ổn, với các vụ đụng độ xảy ra trên đường phố đêm qua. Nhiều cửa hàng, quán café tại thủ đô La Paz đã phải đóng cửa do tình trạng cướp bóc xảy ra tại một số khu vực. Thị trưởng thành phố cho biết La Paz đã phải trải qua một đêm kinh hoàng với 64 xe buýt bị phá hủy trong các vụ bạo lực. Các lực lượng vũ trang Bolivia hôm qua thông báo sẽ phối hợp với cảnh sát nước này ngăn chặn bạo lực. 

Ngoài việc ổn định an ninh, Quốc hội Bolivia ngày 12/11 sẽ họp để bắt đầu tiến trình bầu Tổng thống lâm thời, sau khi ông Morales và các bộ trưởng trong chính phủ của ông từ chức để lại một khoảng trống quyền lực ở nước này.

Phó Chủ tịch Thượng viện Bolivia, bà Jeanine Anez - người mà theo Hiến pháp Bolivia sẽ trở thành Tổng thống lâm thời sau khi ông Morales từ chức, cũng cam kết sẽ kêu gọi bầu cử sớm. Phát biểu tại thủ đô La Paz , bà Anez khẳng định "sẽ có một tiến trình bầu cử phản ánh nguyện vọng của toàn thể người dân Bolivia".

Nhiều nước trong khu vực cũng lên tiếng kêu gọi kêu gọi tránh bạo lực và tìm kiếm giải pháp hợp hiến tại Bolivia. Quan chức cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini kêu gọi các bên tại Bolivia giữ thái độ "kiềm chế và trách nhiệm", tiến tới tổ chức một cuộc bầu cử mới. Bộ Ngoại giao Chile cũng ra tuyên bố khẳng định ủng hộ một giải pháp hòa bình và dân chủ trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật đối với cuộc khủng hoảng tại Bolivia, đồng thời bày tỏ lo ngại về cuộc khủng hoảng đang "bao trùm lên xã hội nước này".

Trong khi đó, Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ ( OAS) cho biết đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp đặc biệt về tình hình Bolivia tại trụ sở của tổ chức này ở Washington trong ngày 12/11. Hội nghị được tổ chức theo kêu gọi của Mỹ, Venezuela, Brazil, Canada, Colombia, Guatemala, Peru và Cộng hòa Dominica.  Tuyên bố của Tổ chức các nước châu Mỹ hôm qua cũng kêu gọi Bolivia khẩn cấp chỉ định cơ quan bầu cử mới để đảm bảo cho tiến trình bầu cử./.