Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Israel cũng vừa thông báo sẽ nới lỏng lệnh hạn chế đối với dải Gaza và Bờ Tây và sau khi các thể chế tài chính như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế kêu gọi Israel nới lỏng các lệnh hạn chế đối với các vùng lãnh thổ của người Palestine.

Nhóm Bộ tứ gồm Liên minh châu Âu, Nga, Liên Hợp Quốc và Mỹ do cựu thủ tướng Anh Tony Blair đứng đầu khẳng định, nếu không có kích thích về kinh tế, đàm phán sẽ ngày càng trở nên xa vời.

Sáng kiến kinh tế của Nhóm Bộ Tứ liệu có đem lại đổi thay cho Palestine (Ảnh al-Arabia)

Theo đó, “Sáng kiến Kinh tế Palestine” với thời hạn 3 năm sẽ tập trung thúc đẩy tăng trưởng ở khu vực tư nhân và xác định 8 lĩnh vực phát triển trọng điểm, trong đó có xây dựng, nông nghiệp, năng lượng, nước sạch, du lịch.

Nhóm Bộ Tứ cũng có kế hoạch xây dựng 10.000 đến 16.000 căn nhà mỗi năm tại dải Gaza.

Trước đó, thứ 4 vừa qua, Israel chính thức thông báo sẽ nới lỏng một số giới hạn đối với vùng lãnh thổ của người Palestine, bao gồm kéo dài thời gian mở cửa Cầu Allenby, cửa khẩu biên giới gần thị trấn Jericho thuộc Bờ Tây.

Mới đây, Israel cũng thông qua việc cấp 5 nghìn giấy phép cho người Paletin ở Bờ Tây tới Israel làm việc và cho phép vật liệu xây dựng vào dải Gaza với số lượng nhất định.

Tổng thư kí Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng kêu gọi tất cả các nhà tài trợ đẩy nhanh các nỗ lực để thúc đẩy nền kinh tế Palestine vốn trì trệ kéo dài.

Ngân hàng Thế giới cho biết, ngay cả khi có nguồn viện trợ của nước ngoài trợ giúp chính quyền Palestine, kinh tế Palestine sẽ không thể tăng trưởng nếu không có biện pháp khuyến khích khu vực tư nhân phát triển./.