Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Israel đang phản đối việc Mỹ có ý định trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và nối lại viện trợ cho Palestine. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden thăm Israel. Dự kiến, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ gặp Thủ tướng Israel Netanyahu và người đồng cấp nước chủ nhà Benny Gantz.
Theo các quan chức từ Mỹ và Israel, chương trình nghị sự của các cuộc thảo luận tập trung vào các cam kết của Mỹ đối với an ninh Israel, bao gồm các hợp đồng mua bán vũ khí; vấn đề hạt nhân Iran, cũng như tìm hướng giải quyết cuộc xung đột dai dẳng giữa Israel và Palestine.
Chuyến thăm này còn đặc biệt hơn khi nó diễn ra trong bối cảnh Israel đang gặp khó khăn trong việc thành lập chính phủ liên minh, khi cuộc bầu cử quốc hội lần thứ 4 trong 2 năm không thể giúp 1 đảng phái chính trị nào chiếm ưu thế vượt trội trong việc thành lập chính phủ chiếm đa số.
Giới phân tích cho rằng, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Israel lần này thiên về vai trò “trấn an” đồng minh hơn là có thể giải quyết tận gốc các vấn đề tồn đọng cũng như mới phát sinh giữa 2 bên. Thứ nhất, liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran – hiện Mỹ đang rất muốn quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015, song Thủ tướng Israel Netanyahu lại cực lực phản đối.
Thủ tướng Israel cảnh báo:“Mối nguy hiểm từ Iran sẽ quay trở lại. Lần này, với sự chấp thuận từ quốc tế, Iran sẽ phát triển kho vũ khí hạt nhân. Đây là mối nguy hiểm hiện hữu trước mắt chúng ta trong những ngày nay. Nó là mối đe dọa đối với an ninh Israel và thế giới. Ngoài ra, chúng ta cũng phải liên tục chống lại sự hiếu chiến của Iran trong khu vực. Chúng ta phải hành động và tự bảo vệ mình”.
Không chỉ đang có sự khác biệt về quan điểm đối với thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015; Mỹ và Israel cũng đang có bất đồng về việc Mỹ nối lại viện trợ cho người Palestine.
Cách đây ít ngày, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định nối lại viện trợ cho Palestine ở mức 235 triệu USD, trong đó cấp 150 triệu USD cho Cơ quan Liên Hợp Quốc cứu trợ người tỵ nạn Palestine (UNRWA). Khác với hầu hết các phản ứng “ủng hộ” từ quốc tế, Israel luôn phản đối việc đóng góp cho Cơ quan Liên Hợp Quốc cứu trợ người tỵ nạn Palestine, với lý do chương trình giáo dục tại các trường của Liên Hợp Quốc dành cho người Palestine có nội dung chống Nhà nước Do Thái. Theo Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc Gilad Erdan, việc nối lại viện trợ của Mỹ còn là 1 bước đi có thể làm gia tăng xung đột.
“Israel phản đối mạnh mẽ các hành động chống Israel và bài người Do Thái trong Cơ quan cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc cho người tị nạn Palestine. Cơ quan này không thể tiếp tục tồn tại với mô hình hiện nay. Trong cuộc thảo luận với Bộ Ngoại giao Mỹ, tôi đã bày tỏ thất vọng và phản đối với quyết định nối lại viện trợ, mà không kèm theo điều kiện cải cách nhất định nào”, ông Gilad Erdan nói.
Trong khi đó, Thủ tướng Palestine Mohammed Shtayyeh lại kỳ vọng nhiều hơn vào Mỹ, không chỉ là việc nối lại viện trợ tài chính mà còn cả các mối quan hệ chính trị với Palestine, hi vọng Mỹ giúp nhân dân Palestine đạt được quyền lợi hợp pháp của một nhà nước độc lập với Jerusalem là thủ đô. Đây cũng là vấn đề mà Israel không thể không lo lắng.
Nhiều người cho rằng, mối quan hệ nồng ấm giữa Mỹ và Israel 4 năm qua, dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ không còn nữa, thậm chí còn bị đảo ngược dưới thời ông Joe Biden, khi nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ từng không ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của Israel đối với các vùng lãnh thổ chiếm đóng./.