Ngày 6/11, hàng trăm nghìn người đã đổ xuống các con đường ở Thủ đô Brussels (Bỉ) và nhiều thành phố khác để phản đối chính sách kinh tế khắc khổ và một số quyết sách mới của chính phủ nước này. Biểu tình sau đó đã biến thành bạo động làm một số người bị thương, trong đó có cả lực lượng cảnh sát. 

bi_inpo.jpgHàng trăm người bị thương khi biểu tình bùng nổ thành bạo lực (ảnh: Reuters)

Theo hãng tin AFP, khoảng 120.000 người (chiếm 1% dân số Bỉ) đã xuống đường biểu tình rầm rộ để phản đối một chương trình cải kinh tế và xã hội nhằm tiết kiệm 11 tỷ euro cho tới năm 2030 của Chính phủ Bỉ.

Người biểu tình cho rằng, chính sách của Thủ tướng Charles Michel đã phá vỡ các chính sách ôn hòa của chính phủ trước dó khiến cuộc sống của họ ngày càng khó khăn. Theo họ, các biện pháp thắt lưng buộc bụng của Chính phủ là không công bằng và phi lý. Ngoài ra, người biểu tình còn phản đối kế hoạch kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 67 tuổi, so với 65 tuổi hiện nay.

Các cuộc tuần hành được tổ chức theo lời kêu gọi của 3 công đoàn lớn nhất của Bỉ. Ba tổ chức này cảnh báo nếu chính phủ Bỉ cố tình không lắng nghe yêu cầu của người dân, họ sẽ tiếp tục tổ chức tuần hành, đình công trong nhiều tuần liên tiếp, trước khi phát động cuộc Tổng đình công trên cả nước vào ngày 15/12 tới.

Kể từ khi hoạt động từ ngày 11/10, Chính phủ liên minh gồm bốn đảng do Tân Thủ tướng Michel đứng đầu, phải đối mặt với một nền kinh tế yếu kém với mức tăng trưởng dự kiến chỉ hơn 1% trong năm nay và nợ công cao nhất Khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Để giải quyết tình trạng này, Thủ tướng Charles Michel tuyên bố sẽ áp dụng một loạt biện pháp như kéo dài tuổi nghỉ hưu, cắt giảm chi tiêu khoảng 8 tỷ euro (tương đương 10 tỷ USD) để cân đối ngân sách quốc gia và giảm nợ công. Dĩ nhiên, các biện pháp này sau đó đã không được tầng lớp lao động ủng hộ./.