“Dù họ (người biểu tình) chiếm đa số hay chỉ là thiểu số trong xã hội, họ cũng phải quan tâm đến quyền lợi của những người có quan điểm khác với họ”, ông Tsang viết trên trang blog của mình ngày 2/11.

Bloombergdẫn thông tin trên trang blog của ông Tsang trong đó bày tỏ hy vọng người biểu tình không bày tỏ thái độ “đập trước xây sau”.

bieu_tinh_ennp.jpgNgười biểu tình tập trung trên một con phố ở Hong Kong (Ảnh Reuters)

“Tôi nhận được thông tin rằng, nhiều người biểu tình trong 2-3 ngày qua đưa ra những giải pháp để chấm dứt cuộc khủng hoảng”, Chánh văn phòng Đặc khu Hành chính Hong Kong Carrie Lam tuyên bố với báo giới cùng ngày.

“Những giải pháp của họ không mang tính thực tế bởi theo hệ thống bầu cử và chính trị của Hong Kong, chúng tôi không có cái gọi là trưng cầu ý dân. Bất kỳ hoạt động nào được tiến hành trên danh nghĩa trưng cầu ý dân là không tuân thủ pháp luật”, bà Lam nêu rõ.

Trong khi đó, ông Lam Woon-kwong, một quan chức chính quyền Hong Kong, đã kêu gọi chính quyền tiến hành vòng đàm phán thứ 2 với thủ lĩnh biểu tình.

Tuy nhiên, anh Lester Shum, đại diện Liên đoàn Sinh viên Hong Kong cho biết vẫn chưa có một quan chức Hong Kong nào liên hệ với họ.

Trong khi đó, anh Oscar Lai, một thủ lĩnh sinh viên biểu tình, khẳng định ngay cả khi một cuộc trưng cầu được tổ chức, thì người biểu tình cũng chưa chắc sẽ kết thúc hoạt động của mình.

“Việc tiến hành trưng cầu không đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ lên kế hoạch chấm dứt biểu tình”, anh Lai nói khi tham gia biểu tình tại quận Admiralty đêm 2/11.

“Quan điểm của chúng tôi sẽ là kết hợp cả tổ chức trưng cầu và biểu tình để thu thập được ý kiến của cộng đồng”, anh Lai nói thêm./.