Các diễn đàn khu vực, toàn cầu trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Y tế G7 cũng được triệu tập theo hình thức họp khẩn để phân tích các diễn biến mới cũng như bàn tính các giải pháp ứng phó.
Thế nhưng, một lần nữa, không chỉ là vấn đề biến thể mới nguy hiểm đến mức nào, Omicron còn đang “vô tình” làm lộ diện rất nhiều mặt trái và thực trạng nhức nhối vẫn đang tồn tại trong cuộc chiến chống Covid-19, thậm chí có thể “kéo lùi” mọi nỗ lực toàn cầu nếu không sớm được giải quyết triệt để.
Chủ đề nóng tại cuộc họp khẩn của các Bộ trưởng Y tế nhóm G7
Nguy cơ về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được nhắc đến ngay từ những dòng đầu tiên của Thông cáo chung mà các Bộ trưởng Y tế G7 đưa ra sau khi kết thúc phiên họp, trong đó các nước G7 nhận định, việc xuất hiện một biến thể có khả năng lây nhiễm cao như Omicron đòi hỏi các nước phải có các hành động ứng phó khẩn cấp.
Tại cuộc họp, các Bộ trưởng Y tế G7 cũng lên tiếng khen ngợi việc Nam Phi sớm nghiên cứu và công bố phát hiện mới về biến thể Omicron, qua đó báo động cho giới khoa học toàn cầu về sự xuất hiện của một biến thể còn nguy hiểm hơn biến thể Delta. Các nước G7 cũng thống nhất sẽ thúc đẩy một mạng lưới quốc tế theo dõi các mầm bệnh, hành động trong khuôn khổ các hợp tác của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Một vấn đề rất đáng quan tâm khác cũng được các Bộ trưởng Y tế G7 đề cập, đó là việc tăng cường việc phân phối vaccine cho các nước nghèo, đang phát triển. G7 thừa nhận, việc này có tầm quan trọng chiến lược. Trên thực tế, từ nhiều tháng qua, nhiều chuyên gia y tế cũng như các chính trị gia, như cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown, đã lên tiếng cảnh báo rằng việc các nước giàu có giành quyền mua vaccine, tích góp vaccine quá với nhu cầu trong khi nhiều nước nghèo lại không thể tiếp cận vaccine sẽ khiến cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 không thể thành công trên toàn thế giới bởi khi không được tiếp cận với vaccine, người dân các quốc gia nghèo sẽ có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh và virus SARS-CoV-2 càng có nhiều cơ hội biến chủng hơn.
Sự xuất hiện của các biến thể Delta và Omicron là thực tế chứng minh cho các cảnh báo đó. Ngày nay, khi toàn thế giới có sự kết nối chặt chẽ, việc biến thể xuất hiện ở một quốc gia, khu vực và nhanh chóng lan rộng toàn cầu là điều cực kỳ khó ngăn chặn. Chỉ có loại bỏ sự bất bình đẳng vaccine, giúp tất cả các quốc gia chống dịch thành công thì thế giới mới ngăn chặn được Covid-19. Trong thông cáo của mình, các Bộ trưởng Y tế G7 tránh nhắc đến từ “bất bình đẳng vaccine” nhưng khẳng định sẽ tăng cường hỗ trợ các nước trong việc tiếp nhận, sản xuất vaccine cũng như hỗ trợ việc nghiên cứu và phát triển vaccine.
Về vấn đề đóng cửa biên giới, bất chấp việc các nước như Nam Phi và một số nước châu Phi chỉ trích quyết định của nhiều nước, trong đó có đa số các nước G7, là bất công và phi lý, các Bộ trưởng Y tế G7 cũng không đề cập đến vấn đề này. Điều này đồng nghĩa với việc, dù khen ngợi Nam Phi phát hiện ra biến thể Omicron, các nước vẫn sẽ cấm tất cả các chuyến bay đến từ miền Nam châu Phi, cho đến ít nhất là vài tuần nữa, khi các nghiên cứu, giải mã biến thể Omicron hoàn chỉnh được công bố.
Trọng tâm tại Hội nghị thượng đỉnh WTO
Bất bình đẳng vaccine được cho là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến các biến thể virus SARS-CoV-2 xuất hiện. Bởi lẽ, khi thiếu vaccine thì số ca nhiễm Covid-19 tại các nước nghèo sẽ ngày càng nhiều và khi đó, virus SARS-CoV-2 càng có thêm cơ hội tích lũy đột biến.
Vấn đề này không mới và đã được cảnh báo rất nhiều nhưng các nước phát triển, trong đó G7 là trung tâm, vẫn chưa hành động quyết liệt. Số lượng vaccine mà các nước phát triển tài trợ cho các nước nghèo hiện quá thấp so với nhu cầu. Tại các nước phía Nam châu Phi, nơi biến thể Omicron xuất hiện, tỷ lệ tiêm vaccine chỉ ở mức 30-35%, thậm chí còn thấp hơn, như tại Nam Phi chỉ ở mức 24%, trong khi tại các nước G7, tại châu Âu, tỷ lệ này gần 80%. Hàng trăm triệu người có nguy cơ cao ở châu Phi, châu Á chưa được tiêm vaccine nhưng nhiều nước châu Âu hay Mỹ đã tiêm mũi vaccine thứ 3, thứ 4, rồi tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi, và chuẩn bị tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, những đối tượng mà WHO khuyến cáo là chưa cần thiết phải tiêm.
Từ cuối năm 2020, vấn đề bãi bỏ bản quyền vaccine đã được thảo luận rất nhiều nhưng rơi vào bế tắc. WHO cùng WTO và Tổ chức bản quyền trí tuệ thế giới – WIPO đã lập các Ủy ban công tác để thảo luận chủ đề này nhưng vẫn chưa ra được kết luận. Cản trở lớn nhất vẫn là sự phản đối của EU.
Lập luận của châu Âu là việc bỏ bản quyền vaccine không phải là mấu chốt giải quyết vấn đề bởi các nước nghèo, đang phát triển… chưa có cơ sở vật chất đủ tiêu chuẩn, cũng như chưa có nhân lực đủ trình độ để có thể ngay lập tức sản xuất được vaccine đúng tiêu chuẩn một khi được trao bản quyền.
Do đó, EU chỉ đề xuất tăng cường chia sẻ vaccine hoặc tăng năng lực sản xuất vaccine tại một số khu vực trên thế giới. Ngoài ra, EU cũng cho rằng việc bỏ bản quyền vaccine sẽ là bất công cho các hãng dược phẩm vốn đã chi hàng tỷ euro cho việc nghiên cứu các công nghệ vaccine trong nhiều năm.
Quan điểm này từ phía EU đã khiến các thảo luận về việc từ bỏ bản quyền vaccine bế tắc suốt nhiều tháng qua. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Omicron sẽ gây sức ép rất lớn lên EU. Trên thực tế, ngay trong nội bộ EU cũng có những ý kiến trái chiều. Nghị viện châu Âu từ nhiều tháng qua đã ủng hộ việc bãi bỏ bản quyền vaccine trong khi Ủy ban châu Âu vẫn kiên quyết không nhượng bộ. Các tiếng nói chỉ trích quan điểm được cho là ích kỷ và tư lợi của EU hiện ngày càng nhiều hơn và theo lịch trình, Hội nghị Thượng đỉnh WTO tuần này có thể sẽ đưa ra phán quyết bước ngoặt, nhưng hiện tại thì vì biến thể Omicron, hội nghị cũng đã bị hoãn.
WHO nhất trí đàm phán về một “hiệp ước đại dịch”
Hiệp ước đại dịch mà WHO muốn hướng tới mang ý nghĩa nhiều hơn cho tương lai. Đây là đề xuất được nhiều nước đưa ra từ giữa năm 2020, khi đại dịch Covid-19 mới bắt đầu và về cơ bản, đề xuất này đều được các quốc gia thành viên WHO ủng hộ. Các nước sẽ lập ra một cơ quan liên chính phủ để cùng tất cả các bên là thành viên WHO đàm phán các điều khoản chi tiết của Hiệp ước. Hiện nay vấn đề mấu chốt nằm ở tranh cãi về việc Hiệp ước này có tình ràng buộc pháp lý hay không. Phía chính quyền Mỹ nhiều tháng qua luôn phản đối điều này nên tìm cách trì hoãn việc đàm phán Hiệp ước đại dịch. Một số nước như Brazil, Ấn Độ hay Monaco cũng đang lưỡng lự.
Về cơ bản, một khi được thông qua, Hiệp ước đại dịch sẽ tạo dựng được một khuôn khổ hợp tác chặt chẽ hơn, và có thể có tính ràng buộc pháp lý cao hơn, trong việc ngăn ngừa đại dịch, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Việc hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các nước sẽ được đẩy mạnh và minh bạch hóa hơn. Hiệp ước này, nếu ra đời, sẽ là một cú hích lớn cho các nỗ lực hợp tác chống đại dịch Covid-19 hiện nay cũng như ngăn ngừa, ứng phó với các đại dịch trong tương lai./.