“Hơn 99% số ca mắc Covid-19 trên thế giới là do biến thể Delta và ngày càng nhiều ca tử vong ghi nhận ở những người chưa tiêm vaccine. Tôi nghĩ đó là ưu tiên của chúng ta trong lúc chờ đợi có thêm thông tin về biến thể Omicron”, nhà khoa học WHO Soumya Swaminathan cho biết.

Tuần trước, WHO đã đưa biến thể B.1.1.529 – được đặt tên là Omicron,  vào danh sách biến thể đáng lo ngại. Điều này có nghĩa là Omicron có thể có khả năng lây lan cao hơn, nguy hiểm hơn, có thể lẩn tránh vaccine và các liệu pháp khác. Biến thể này do các nhà khoa học Nam Phi xác định đầu tiên.

Bà Swaminathan nói rằng, các nhà khoa học cần có thời gian để tiến hành nghiên cứu và thu thập dữ liệu để tìm ra những câu trả lời cơ bản về biến thể mới.

“Những gì chúng ta muốn biết là biến thể này có dễ lây lan hơn không, thậm chí có dễ lây hơn biến thể Delta hay không. Chúng ta muốn biết nó có gây bệnh nặng hơn các biến thể khác không và quan trọng hơn cả, liệu biến thể này có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch cả do nhiễm bệnh tự nhiên cũng như do tiêm vaccine hay không”, bà Swaminathan nói.

Bà cũng kêu gọi các nước đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron chia sẻ dữ liệu lâm sàng và dữ liệu giải trình tự gen thông qua các nền tảng của WHO để giới khoa học có thể nghiên cứu.

Biến thể Omicon hiện đã được phát hiện ở nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Anh, Israel, Bỉ, Đức, Italy, Hong Kong (Trung Quốc), Hà Lan, Đan Mạch và Australia. Nhiều nước đã siết chặt quy định nhập cảnh đối với những người đến từ khu vực phía Nam châu Phi để ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới.

Các hãng sản xuất vaccine như Pfizer, BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson và AstraZeneca đều đang nghiên cứu và thử nghiệm với biến thể Omicron.

Bà Swaminathan nói rằng, các loại vaccine hiện có vẫn có hiệu quả bảo vệ nhất định trước biến thể mới.

“Điều quan trọng là những người chưa tiêm vaccine hoặc những người mới chỉ tiêm 1 mũi vaccine, cần hoàn thành chương trình tiêm chủng”, bà nói./.