Anh ngày 14/3 trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên thông báo ngay trong tuần này sẽ chấm dứt tất cả hạn chế đi lại vốn được áp đặt nhằm phòng, chống Covid-19, mở cửa trở lại du lịch sau gần 2 năm đóng cửa. Trong khi đó, tại Pháp, cuộc sống cũng đang dần trở lại bình thường khi thẻ tiêm chủng và khẩu trang sẽ không còn bắt buộc ở những không gian kín, trừ bệnh viện hay trên các phương tiện giao thông đường dài.
Tại châu Á, Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch nới lỏng các tiêu chí về dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch trọng điểm nhằm giảm bớt tác động đối với các hoạt động kinh tế-xã hội, trong khi Ấn Độ dự kiến nối lại các chuyến bay quốc tế thường kỳ từ ngày 27 /3 tới.
Các số liệu cho thấy, dù số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu vẫn còn cao, song tại những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, mối liên hệ giữa các ca bệnh và tử vong dường như đã suy yếu, thậm chí là đã bị phá vỡ. Theo Tiến sĩ Daniel McQuillen, lưu hành không nhất thiết có nghĩa là nhẹ, nhưng có những dấu hiệu cho thấy với mức độ miễn dịch quần thể cao, mức độ nghiêm trọng của Covid-19 trở nên gần với mức độ nghiêm trọng của bệnh cúm theo mùa.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới và giới chuyên gia cũng cảnh báo mọi tâm lý chủ quan coi Covid-19 như bệnh đặc hữu. Mặc dù dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát, nhưng nguy cơ dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn. Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo: “Virus đang trên đường trở thành đặc hữu. Tuy nhiên cần phải nhớ rằng chúng ta vẫn đang ở giữa đại dịch nếu nhìn vào cả về mức độ lây truyền và mức độ tác động đối với các dịch vụ y tế thiết yếu. Bây giờ chắc chắn chúng ta thấy tỷ lệ nhập viện ít hơn nhưng số lượng lớn các trường hợp đang thực sự tạo ra gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, tác động mà chúng ta đang thấy thực sự rất đáng kể.”
Thực tế cũng đã cho thấy diễn biến của đại dịch đã nhanh chóng thay đổi với sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, khiến các quốc gia đã trải qua thời gian dịch bệnh ổn định kéo dài lại phải đối mặt với hậu quả của các làn sóng lây nhiễm và nhập viện. Cùng với đó, nguy cơ tái nhiễm cũng đặt các chính phủ trước thách thức khi cân nhắc bất kỳ quyết định nới lỏng hạn chế nào. Theo chuyên gia dịch tễ học Emmanuel Piednoir của Pháp, tình hình hiện nay thực sự khác biệt. Thế giới đang phải đối mặt với một biến thể với nhiều đặc tính tấn công hệ miễn dịch hơn.
“Sự gia tăng mạnh số ca tái nhiễm với biến thể Omicron đã đặt ra một số vấn đề. Trước tiên là chúng ta vẫn không thực sự biết khả năng miễn dịch có được sau khi nhiễm biến thể Omicron sẽ kéo dài bao lâu. Cũng chính vì Omicron ít gây bệnh nghiêm trọng, nên khả năng kích thích miễn dịch của biến thể này cũng nhẹ nhàng hơn và vì thế khả năng bảo vệ cũng thấp hơn”, ông Piednoir cho biết.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature cho thấy, không giống như những chủng trước đó, biến thể Omicron rất dễ lây lan của virus SARS-CoV-2 đã làm tăng đáng kể số người bị tái nhiễm với Covid-19. Như tại Anh, trước thời điểm biến chủng Omicron xuất hiện hồi giữa tháng 11/2021, nguy cơ tái nhiễm chiếm khoảng 1% các trường hợp mắc Covid-19, song tỷ lệ này đã tăng lên khoảng 10% hiện nay./.