Hội nghị An ninh Munich lần thứ 51, diễn ra tại Munich, Đức đã kết thúc. Hội nghị An ninh Munich 2015 chứng kiến sự chia rẽ của phương Tây xung quanh việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.

Hầu hết các nước đều phản đối việc Mỹ dự định cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, vì việc này chỉ đổ thêm dầu vào lửa và sẽ khiến các bên càng cách xa một giải pháp hòa bình.

merkel_eczs.jpg Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich (ảnh: Reuters)

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel bác khả năng viện trợ vũ khí cho Ukraine mà thay vào đó bà kêu gọi tiếp tục các nỗ lực thuyết phục Ukraine và lực lượng đối lập ngừng bắn.

Thủ tướng Merkel nói: “Chúng tôi không muốn châu Âu chia rẽ. Không ai trong chúng ta muốn thấy một cuộc khủng hoảng leo thang như vậy. Chúng tôi muốn tạo ra hòa bình cho Ukraine chứ không phải là chống lại Ukraine. Điều này liên quan đến an ninh và ổn định của châu Âu và các khu vực xuyên Đại Tây Dương. Chúng ta cần phải cùng nhau đối mặt với những vấn đề và thách thức quốc tế”.

Còn Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng cho rằng, trong bối cảnh một giải pháp chính trị cho xung đột Ukraine vẫn còn khá xa vời, thì ý định cung cấp vũ khí cho Ukraine không những rất nguy hiểm mà còn phản tác dụng.

Ông Steinmeier cũng khẳng định Đức cùng các nước Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) luôn có những phản ứng kiên quyết và đồng lòng, trước hết nhằm hạn chế xung đột, tháo gỡ khủng hoảng và tiến tới tìm kiếm những giải pháp chính trị.

Ngoại trưởng Steinmeier nói: “Đối với châu Âu, cuộc xung đột này vẫn có nghĩa là an ninh bền vững chỉ có thể đạt được khi có Nga thay vì chống lại Moscow. Ngược lại  một tương lai tốt đẹp của Nga chỉ có được nếu có sự hợp tác với châu Âu”.

Trước đó, nhiều thành viên của NATO cũng tỏ ra không ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho chính quyền Kiev, bất chấp kêu gọi của Tổng thống Ukraine Poroshenko.

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Jeanine Hennis-Plasschaert và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cũng nhất trí với quan điểm của Đức. Bà Plasschaert khẳng định, phần lớn các nước châu Âu, cụ thể là Hà Lan, sẽ chỉ hỗ trợ cung cấp các thiết bị quân sự phi sát thương cho Chính phủ Ukraine.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, quan điểm “cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine” chỉ làm trầm trọng thêm tấn bi kịch ở nước này. Ngoại trưởng Lavrov cũng nêu rõ, Nga sẽ không từ bỏ lợi ích quốc gia và lập trường nguyên tắc về các vấn đề cơ bản, song Nga sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong các vấn đề hai bên có trách nhiệm. Ông đồng thời kêu gọi các đối tác phương Tây từ bỏ “tiêu chuẩn kép” trong quan hệ với Nga.

Thái độ cứng rắn của Thủ tướng Đức và một số quốc gia NATO ngay lập tức làm nảy sinh chỉ trích dữ dội từ một số nghị sĩ hàng đầu của Mỹ, nước được cho là đang cân nhắc khả năng cung cấp vũ khí cho Kiev.

Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Trưởng phái đoàn Mỹ tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, quan điểm của bà Merkel là “không thể chấp nhận được”, “sai lầm nghiêm trọng”. Ông McCain đã công khai chỉ trích cách tiếp cận của Berlin.

Trả lời báo giới sau khi tham dự Hội nghị An ninh Munich, Thượng nghị sỹ Lieberman nhấn mạnh, cách duy nhất giúp Ukraine là cung cấp vũ khí cho chính quyền Kiev. “Điều đầu tiên chúng ta cần phải làm là cung cấp vũ khí cho Ukraine để họ tự bảo vệ mình. Nếu không, Nga sẽ tiếp tục tiến tới và chiếm thêm lãnh thổ của Ukraine giống như họ đã chiếm Crimea. Điều này là một tiền lệ xấu cho việc thay đổi biên giới châu Âu. Đây là lần đầu tiên điều này xảy ra kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai”, Thượng nghị sỹ Lieberman nói.

Trong ba ngày (từ ngày 6 - 8/2), một loạt vấn đề khác như sự nổi lên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Trung Đông, đối phó với những mối đe dọa từ không gian mạng, phát triển cấu trúc an ninh châu Âu, những thách thức xuất hiện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương... cũng được các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận tại hội nghị./.