Đây là trường hợp trẻ HIV đầu tiên khỏi bệnh và được ghi lại đầy đủ bằng tài liệu. Theo đó, các bác sĩ ghi nhận không phát hiện bé này mang virus HIV cũng như bất cứ dấu hiệu gì của căn bệnh dù bé không còn điều trị theo liệu pháp kháng retrovirus.

Các nhà khoa học tại Hội nghị về Retrovirus và Nhiễm trùng Cơ hội tổ chức ở Atlanta (Mỹ) cho hay, hiện vẫn cần nghiên cứu thêm để xác định xem liệu có lặp lại được các điều kiện tương tự bé gái nói trên trong các thử nghiệm lâm sàng với các trẻ phơi nhiễm HIV khác hay không.

Hồi tháng 7/2010, người mẹ nhiễm HIV sinh thiếu tháng bé gái này (vào tuần 35) ở Mississipi. Trước đó mẹ bé không hề được chăm sóc trước sinh hay điều trị kháng retrovirus.

Do nguy cơ cao lây bệnh từ mẹ nên trong 30 giờ tuổi đầu tiên bé được điều trị kháng retrovirus sử dụng tổng hợp 3 loại biệt dược chống HIV là zidovudine, lamivudine, và nevirapine. Tuy nhiên bé vẫn nhiễm HIV. Cả 2 mẫu máu của bé lấy vào ngày tuổi thứ 2 và được phân tích kỹ bằng phương pháp Phản ứng chuỗi trùng hợp (PCR) đã khẳng định điều này.

Sau đó người ta cho bệnh nhi này xuất viện khi tròn 1 tuần tuổi. Bé tiếp tục được điều trị kháng retrovirus tổng hợp với các loại thuốc zidovudine, lamivudine và lopinavir- ritonavir – đây là liệu pháp điều trị chuẩn của Hoa Kỳ dành cho trẻ sơ sinh nhiễm HIV.

Ba tuần sau khi sinh, bé lại được kiểm tra lượng virus trong huyến tương và kết quả vẫn dương tính. Tuy nhiên, đến ngày thứ 29, lượng virus đã giảm xuống còn dưới 50 bản HIV trên 1mL máu.

Bệnh nhân nhi tiếp tục được điều trị như trên cho đến khi tròn 18 tháng tuổi (vào tháng Giêng 2012). Tại thời điểm này việc điều trị tạm ngưng. Nhưng đến mùa thu năm 2012, khi được chuyên gia y tế kiểm tra lại thì các mẫu máu cho thấy không phát hiện được các cấp độ HIV (dưới 20 bản/mL) và không hề có kháng thể HIV. Các nhà khoa học sau đó dùng các xét nghiệm RNA và DNA siêu nhạy thì chỉ phát hiện lượng HIV cực thấp.

Hiện nay tình hình bé gái nói trên tiếp tục được cải thiện mà không dùng đến liệu pháp kháng retrovirus. Bé hiện được một nhà nhi khoa học tại Trung tâm Y tế thuộc Đại học Mississipi chăm sóc.

Giới nghiên cứu cho rằng, trường hợp bé gái này cho thấy việc tiến hành điều trị kháng virus ngay trong những ngày đầu đời của trẻ nhiễm HIV từ mẹ (trong quá trình mang thai hoặc sinh nở) có khả năng ngăn HIV hình thành những nơi ẩn náu trong cơ thể các bé, và do đó đem lại tác dụng trị bệnh.

Trong 1 cuộc họp báo hôm 4/3, phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc Del Buey cũng lên tiếng khẳng định 2 cơ quan của LHQ là UNAIDS và UNICEF hoan nghênh thành công này./.