Một công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ ngày 26/12 tố cáo cảnh sát nước này cản trở ông theo đuổi vụ án tham nhũng, hối lộ và rửa tiền cấp cao đang làm rúng động chính trường nước này. Cáo buộc này làm tăng thêm những con mắt dò xét của dư luận đối với chính phủ của Thủ tướng Tayyip Erdogan bất chấp nỗ lực cải tổ Nội các khẩn cấp của ông để cứu vãn uy thế cho đảng Công lý và Phát triển (AK) cầm quyền suốt 11 năm qua.

erdogan.jpg
Chính phủ của Thủ tướng Erdogan đang nỗ lực cải tổ nội các (Ảnh: Reuters)

Công tố viên Muammer Akkas cho biết, ông đã bị loại khỏi cuộc điều tra tham nhũng, hối lộ và rửa tiền liên quan đến con trai của 3 Bộ trưởng Kinh tế, Nội vụ và Môi trường vừa từ chức cùng hàng loại quan chức cấp cao khác, trong đó có Thống đốc Ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước Halkbank, ngân hàng lớn thứ 7 ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, Công tố viên trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ Turhan Colakkadi cho biết, ông Akkas bị loại khỏi vụ điều tra vì để lộ thông tin cho giới truyền thông và không báo cáo cập nhật kịp thời cho cấp trên về tiến độ điều tra.

“Không gì có thể che đậy được. Dù kẻ phạm tội là ai, là con cháu của quan chức cấp cao nào có liên quan, thì chúng tôi cũng không thể để cho bộ máy tư pháp bị lũng đoạn. Trong bất cứ trường hợp nào, từ tất cả các bên, công lý yêu cầu chúng tôi làm gì thì điều đó phải được thực thi”, ông Turhan Colakkadi nêu rõ.

Cựu Bộ trưởng Nội vụ Muammer Guler và cựu Bộ trưởng Kinh tế Zafer Caglayan tiếp tục bác bỏ mọi cáo buộc đối với cá nhân 2 ông cũng như cả chính phủ. Ông Guler cho rằng: “Quá trình điều tra này là một sự hăm dọa chứ không phải là một quy trình pháp luật. Chúng ta có thể thấy điều đó qua cách họ tiến hành điều tra mà không tuân thủ các quy tắc đề ra”.

Phản ứng trước vụ bê bối này, Thủ tướng Erdogan đã có một cuộc đại cải tổ Nội các với việc thay đổi đến một nửa các vị trí Bộ trưởng. Tuy nhiên, các đảng đối lập cho rằng, biện pháp này không tạo ra sự thay đổi thật sự.

Lãnh đạo đảng Nền cộng hòa của Nhân dân Kemal Kilicdaroglu cho biết: “Thủ tướng Erdogan đang xây dựng một nội các không có ai đối lập với ông, trong đó, tân Bộ trưởng Nội vụ Ebcal Ala đóng vai trò chính”.

Cựu Bộ trưởng Môi trường Erdogan Bayraktar - một trong 3 quan chức liên quan đến bê bối tham nhũng kêu gọi Thủ tướng Erdogan nên từ chức. Tuy nhiên, Thủ tướng Erdogan không “nao núng” vì bê bối này dù ông sớm phải đối mặt với cuộc bầu cử địa phương vào tháng 3 tới và cuộc tổng tuyển cử vào năm 2015.

Các đảng đối lập cũng có thể lợi dụng bê bối này của đảng Công lý và Phát triển cầm quyền để giành được nhiều sự ủng hộ hơn trong các cuộc bầu cử sắp tới. Tuy nhiên, ông Erdogan cho rằng, cuộc điều tra này có thể là một âm mưu của nước ngoài nhằm mưu lợi từ những bất ổn của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ Yavuz Selim Kurt nhận định, ông Erdogan vẫn có thể lật ngược thế cờ: “Sự kiện này thậm chí không ảnh hưởng một chút nào đến sự ủng hộ dành cho ông Erdogan. Giờ đây, uy tín của ông còn có thể mạnh hơn vì người dân Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng "có một thế lực phương Tây nào đó đang muốn can thiệp vào quốc gia đang là ngôi sao sáng" của khu vực này như họ từng làm với các nước đang lên khác".

Không thể phủ nhận những đóng góp của Thủ tướng Erdogan trong hơn 1 thập kỷ qua đã giúp kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ chuyển đổi mạnh mẽ, song cũng phải thấy rằng, phản ứng của ông trước những vụ bê bối như thế này đang khiến các nước châu Âu lo ngại và kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo tính độc lập của hệ thống tư pháp. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để châu Âu xem xét khả năng để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu sau 14 năm mong mỏi./.