Donald Trump sẽ là ác mộng với EU

Các cuộc bầu cử trong nền chính trị phương Tây luôn đầy những lời hứa hẹn. Nhưng phải tỉnh táo để nhận ra rằng, những lời nói khi tranh cử rất khác với những hành động sau khi đắc cử. Thậm chí là trái ngược hoàn toàn. Chính vì thế, không ai có thể chắc chắn bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump sẽ làm những gì sau khi đặt chân vào Nhà Trắng.

Nhận thức mơ hồ này hiện diện ngay cả ở những nước thuộc Liên minh châu Âu, vốn là những đồng minh lâu đời và thân cận nhất với siêu cường bên kia bờ Đại Tây Dương.

bau_cu_my2_fqpu_mprh.jpg
Donald Trump tiếp tục kêu gọi cử tri ngoài đảng Cộng hòa bỏ phiếu cho ông. (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, với lục địa già, kịch bản Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ có thể sẽ là một cơn ác mộng. Điều này không xuất phát từ sự yêu ghét cảm tính hay tính cách khó đoán định của ƯCV đảng Cộng hoà mà đến từ những tuyên bố công khai thể hiện tầm nhìn của Donald Trump về mối quan hệ với châu Âu, cho dù đây vẫn là một trong những chủ đề mà ƯCV tỷ phú này thể hiện kín đáo.

Nếu Trump làm như nói, EU sẽ điêu đứng

Trong một bản nghiên cứu mới đây của Hội đồng châu Âu về quan hệ quốc tế, Jeremy Schapiro, chuyên gia về quan hệ xuyên Đại Tây Dương, tóm tắt các tư tưởng chính về chính sách đối ngoại của Donald Trump thành 3 ý như sau: các đồng minh của Mỹ không chịu gánh vác chi phí trách nhiệm; sẽ dễ dàng thiết lập quan hệ đồng minh với các chế độ độc tài hơn là với châu Âu; các hiệp định tự do thương mại gây tổn hại cho người lao động Mỹ và làm nước Mỹ nghèo đi.

Cộng thêm quan điểm ủng hộ Brexit, lời hứa sẽ huỷ bỏ các thoả thuận về chống biến đổi khí hậu, tuyên bố “không dạy bảo Thổ Nhĩ Kỳ” (không can dự) hay việc công khai thể hiện có cảm tình với Tổng thống Nga Vladimir Putin… Donald Trump mang đầy đủ những gì mà Brussels cảm thấy lo sợ khi nghĩ đến kịch bản ƯCV của đảng Cộng hoà này sẽ trở thành Tổng thống Mỹ.

Phát biểu trên tờ Le Monde, Đại sứ một nước thành viên EU tại Brussels nhận định: “Việc Donald Trump làm Tổng thống Mỹ sẽ là một thảm hoạ và sẽ tạo ra một thách thức mang tính sống còn với Liên minh châu Âu, điều mà chúng tôi e là Liên minh không đủ sức để đối mặt vào thời điểm này”.

Donald Trump đã phát biểu và thể hiện gì khiến các đồng minh châu Âu e ngại?

Trước hết, về mặt an ninh, Trump cho rằng các nước thành viên của NATO đã quá dựa dẫm vào sự bảo trợ từ nước Mỹ và nếu ông làm Tổng thống, Mỹ sẽ buộc các thành viên NATO, nhất là các nước lớn ở châu Âu như Anh, Đức, Pháp… phải tăng chi tiêu quân sự lên nhiều lần để tự đảm bảo an ninh cho mình. Với Donald Trump, nhiệm vụ chính của NATO nên là chống khủng bố và ngăn chặn làn sóng tị nạn chứ không phải là đối đầu với Nga.

Về mặt khách quan, quan điểm này của Donald Trump không hoàn toàn mới. Dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, nước Mỹ đã từng nhiều lần yêu cầu các thành viên châu Âu của NATO, liên minh quân sự mà Mỹ đóng góp đến trên 70% chi phí hoạt động, phải tăng chi tiêu quốc phòng để có thể gánh vác sứ mệnh duy trì an ninh của châu lục.

Donal Trump và Hilary Clinton (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, đòi hỏi duy trì ngân sách quốc phòng ở mức 2% GDP mà Washington đưa ra với các đồng minh châu Âu, vốn đã cắt giảm ồ ạt chi tiêu quân sự từ sau Chiến tranh Lạnh, dù sao cũng đỡ khắc nghiệt hơn viễn cảnh nước Mỹ dưới thời Donald Trump rút chân khỏi châu Âu và để châu lục này phải đối mặt với sức ép an ninh nặng nề đến từ Moscow. Nhìn từ góc độ lợi ích của Liên minh châu Âu (chứ không phải lợi ích nước Mỹ), đó rõ ràng là một  thiệt hại to lớn, nhất là trong tình cảnh kinh tế u ám hiện nay.

Tuy nhiên, ngoài mối lo chi phí, điều mà các thành viên NATO ở châu Âu lo ngại hơn cả là phát biểu của Donald Trump hồi tháng 7/2016, theo đó nước Mỹ sẽ chỉ giúp đỡ “có điều kiện” nếu một thành viên NATO bị tấn công.

“Điều kiện” đó là phải xem nước bị tấn công đó có “tôn trọng các nghĩa vụ với nước Mỹ hay không”. Nếu Donald Trump thực sự thực thi chính sách này trong trường hợp bước chân vào được Nhà Trắng thì điều này gần như đồng nghĩa với việc khai tử “Điều 5” trong Hiến chương NATO, vốn là điều khoản quan trọng bậc nhất bảo đảm an ninh cho mỗi nước thành viên NATO, theo đó bất cứ cuộc tấn công nào vào một thành viên NATO sẽ bị xem là tấn công vào toàn Liên minh quân sự. Nhờ “điều 5” mà NATO thu hút được các thành viên mới, mở rộng biên giới của Liên minh và đây được xem là điều khoản tối quan trọng với mỗi thành viên. Phát biểu này của Donald Trump, đặt bên cạnh những lời lẽ đầy thân thiện với nước Nga và cá nhân ông Putin, có thể sẽ làm nhiều thành viên NATO, đặc biệt các nước Baltic và Đông Âu, lạnh gáy.

Ngoài câu chuyện an ninh, trong các chủ đề khác, quan điểm của Trump cũng khiến châu Âu lo lắng. Trump tỏ thái độ thù địch công khai với các Hiệp định thương mại tự do và tung hô các chính sách bảo hộ, đồng nghĩa với việc nếu Trump nắm quyền, Hiệp định “thế kỷ” Tafta giữa EU và Mỹ nhiều khả năng chết yểu, dù hiện tại thì các vòng đàm phán liên quan đến hiệp định này cũng đang bế tắc.

Quan hệ thân thiết với cực hữu

Cuối cùng, một động thái khác, dù kín đáo hơn, của Trump cũng khiến nhiều đồng minh châu Âu đứng ngồi không yên: mối quan hệ thân thiết của Trump với các đảng cánh hữu, thậm chí là cực hữu tại châu Âu.

Trong một cuộc mít-tinh hồi tháng 7 của Donald Trump tại Cleveland (bang Ohio) có sự xuất hiện của 2 nhân vật đáng lưu tâm: Geert Wilders, thủ lĩnh đảng Tự do Hà Lan, một đảng theo tư  tưởng cực hữu, ly khai và Nigel Farage, thủ lĩnh đảng UKIP tại Anh, đảng vận động nhiệt thành nhất cho Brexit.

Các lời ca tụng Trump còn đến từ Marine Le Pen, Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) của Pháp hay từ vị Thủ tướng luôn gây tranh cãi với các phát ngôn kỳ thị của Hungary là Viktor Orban. Những phát ngôn tương đồng của Donald Trump với các thủ lĩnh chính trị châu Âu kể trên, đặc biệt sau Brexit (mà Trump ca ngợi là một thắng lợi lịch sử) chắc chắn không thể làm hài lòng các đảng phái truyền thống nắm quyền đang rất lo sợ sự nổi lên của các đảng dân tuý và cựu hữu tại châu Âu.

Hilary Clinton hứa hẹn những “điều chỉnh” dễ chấp nhận hơn

Đặt trong so sánh đó, Hillary Clinton rõ ràng là ƯCV được ưa thích hơn nhiều đối với Brussels.

Nữ ƯCV của đảng Dân chủ được nhận định là có thể sẽ đưa ra các yêu cầu “điều chỉnh” mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương nếu đắc cử vào Nhà Trắng, như sự đóng góp nhiều hơn của các nước châu Âu vào hoạt động của NATO, tăng ngân sách quốc phòng nhằm kiềm chế Nga hay đặt ra các điều kiện khắc nghiệt hơn đối với các vòng đàm phán Tafta. Nhưng so với Donald Trump, các “điều chỉnh” đó rõ ràng dễ chấp nhận hơn.

Điều quan trọng nhất mà các nước EU nhìn thấy  trong các phát biểu tranh cử của Hillary Clinton, đó là sự chắc chắn và tính tiếp nối trong chính sách từ thời Barack Obama.

Nữ ƯCV của đảng Dân chủ từng viết trong cuốn hồi ký của mình rằng “quan hệ đồng minh với châu Âu đáng quý hơn vàng” nên nếu nắm quyền, Hillary Clinton khả năng lớn sẽ vẫn coi quan hệ đồng minh với châu Âu là một trong những trụ cột quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ.

Một nhà ngoại giao châu Âu trong NATO lạc quan: “Chúng tôi thậm chí nghĩ rằng mối quan tâm mà bà Hillary Clinton dành cho châu Âu có thể còn lớn hơn thời ông Obama”. Nhận định này có lẽ xuất phát từ thực tế là trong nhiệm kỳ 2 của ông Barack Obama, dù tuyên bố Mỹ xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương nhưng về căn bản, mối quan hệ Mỹ-EU không có gì thay đổi, thậm chí Mỹ còn dồn thêm nguồn lực quốc phòng sang châu Âu nhằm phòng ngừa sự căng thẳng với Nga.

Các thành viên châu Âu của NATO rõ ràng có lí để chờ đợi vào bà Hillary Clinton, với lời ca ngợi “NATO là liên minh quân sự hiệu quả nhất trong lịch sử”, hơn là một Donald Trump luôn đem các khó khăn của châu Âu ra chế giễu và nhắc đi nhắc lại rằng Mỹ sẽ buộc các đồng minh trả nhiều tiền hơn cho an ninh.

Từ khẩu hiệu tranh cử đến chính sách lúc nắm quyền là cả một câu chuyện dài, nhưng nếu không có một cơ sở nào vững chắc hơn là các tuyên bố từ chính người trong cuộc thì rõ ràng Brussels đang cầu nguyện cho Hillary Clinton chiến thắng./.