Theo bà Clinton, đây là động thái “chưa từng có tiền lệ” và “rất đáng lo ngại”. Giới phân tích nhận định, điều này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến quyết định của cử tri Mỹ trong bối cảnh còn 11 ngày nữa sẽ đến ngày “phán quyết” của cử tri đối với ứng cử viên của hai Đảng.

clinton_eryk.jpg
Việc FBI mở lại điều tra bê bối email cá nhân của bà Clinton có thể gây tác động nghiêm trọng đến cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới. Ảnh: Reuters

Phát biểu trước những người ủng hộ tại bãi biển Daytona, bà Clinton cũng đồng thời chỉ trích ứng cử viên của Đảng bang Florida, bà Clinton đã mô tả hành động công bố bức thư của Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ là “kỳ lạ”. Theo bà Clinton, đây là một động thái chưa có tiền lệ và gây rắc rối sâu sắc đối với cá nhân bà.

Bà Clinton,kêu gọi ông James Comey có sự giải thích cho hành động này: “Thực tế, hành động này không chỉ kỳ lạ mà còn chưa có tiền lệ. Nó đang gây rắc rối lớn. Bởi lẽ, cử tri Mỹ có quyền được tiếp nhận thông tin đầy đủ và hoàn chỉnh. Tôi kêu gọi ông Comey có lời giải thích rõ ràng về vấn đề này”.

Bà Clinton cũng cáo buộc ứng viên Tổng thống Đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump đang tạo dựng những lời nói dối nhằm vào bà. Theo bà Clinton, ông Trump đang cố tình làm nhiễu loạn thông tin và ngăn cản người dân Mỹ bỏ phiếu cho bà.

Phản ứng trước tuyên bố của bà Clinton, ông Comey đã bảo vệ động thái của mình. Theo ông sẽ là sai lầm nếu không công bố những thông tin mới liên quan đến các thư điện tử của bà Clinton và ông cảm thấy, ông có nghĩa vụ để làm điều đó. Ông Comey cũng nhấn mạnh: quyết định của Cục Điều tra liên bang Mỹ không phải là hành động mị dân và khiến người dân Mỹ hiểu nhầm.

Trong khi đó, ứng cử viên Đảng Cộng hòa Trump đã không bỏ lỡ cơ hội này để chỉ trích bà Clinton. Trong cuộc tuần hành ở bang Colorado ngày 29/10, ông Trump đã ca ngợi quyết định của Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ.

Theo ông Trump, đây là một vụ scandal chính trị lớn nhất kể từ sau vụ Watergate - vụ bê bối chính trị trên chính trường Mỹ, từ năm 1972 đến năm 1974, dẫn đến việc Tổng thống Richard Nixon phải từ chức. Theo ông Trump, hành động của bà Clinton là hành động có chủ tâm, cố ý và có mục đích.

Trước đó, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ James Comey đã gây xôn xao dư luận khi gửi một bức thư lên giới lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông báo mở lại cuộc điều tra vụ bê bối thư điện tử của bà Clinton do phát hiện những bức thư mới của bà Clinton được cho là “thích hợp cho cuộc điều tra”.

Ông Comey cho biết Cục Điều tra Liên bang Mỹ sẽ “có các biện pháp điều tra phù hợp” để quyết định xem liệu những bức thư điện tử mới có lưu các thông tin mật hay không, cũng như “đánh giá mức độ quan trọng của những bức thư này đối với cuộc điều tra”.

Trước đó, cuộc điều tra của Cục Điều tra liên bang Mỹ về vụ bê bối thư điện tử của bà Clinton đã khép lại hồi tháng 7 vừa qua sau khi không tìm ra bằng chứng nào cho thấy bà đã sử dụng thư điện tử cá nhân để trao đổi các thông tin mật trong thời gian giữ chức Ngoại trưởng.

Hiện vẫn chưa rõ là liệu cuộc điều tra mà Cục Điều tra liên  bang Mỹ nhằm vào bà Clinton có làm đảo lộn cán cân của cuộc đua hay không. Tuy nhiên, một cuộc thăm dò do Kênh Truyền hình ABC News và tờ Washington Post thực hiện trên toàn nước Mỹ, được công bố ngày 29/10, cho thấy khoảng cách giữa bà Clinton và ông Trump đã thu hẹp đáng kể.

Theo kết quả thăm dò, cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ dẫn trước ông Trump 2 điểm phần Trump - ở mức 47% so với 45%. Con số này sụt giảm đáng kể so với tỷ lệ 50% - 38% chưa đầy một tuần trước đó.

Cuộc thăm dò trên được thực hiện từ ngày 24-27/10, tức là một ngày trước khi Cục Điều tra liên bang Mỹ tiết lộ rằng cơ quan này có bằng chứng mới liên quan việc bà Clinton sử dụng thư điện tử cá nhân để trao đổi các thông tin mật thời còn làm Ngoại trưởng Mỹ.

Theo đánh giá của giới phân tích, việc Cục Điều tra Liên bang Mỹ quyết định mở lại cuộc điều tra vụ bê bối thư điện tử của bà Clinton trong bối cảnh chỉ còn 11 ngày nữa là tới ngày bầu cử Tổng thống Mỹ, nhiều khả năng sẽ khiến khoảng cách giữa hai ứng cử viên tiếp tục thu hẹp trong những ngày tới./.