Châu Âu theo dõi sát sao cuộc bầu cử này, bởi kết quả của nó có thể có những tác động đáng kể đến khu vực vốn đang đứng trước nhiều thách thức về tương lai chung sau sự kiện Brexit.

bau_cu_italy_bxhg.jpg
Đại diện của 3 chính đảng trong cuộc bầu cử Quốc hội Italy 2018. Ảnh: Financial Times.

Có 3 ứng cử viên nặng ký cho cuộc chạy đua bầu cử Italy năm nay. Thứ nhất đó là Liên minh cánh hữu gồm Đảng trung hữu tiến lên Italy (FI) của cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi, Đảng cực hữu Liên đoàn phương Bắc (Lega) và Đảng Những người Italy (FDI). Mặc dù phải từ chức Thủ tướng gần 6 năm, và tính đến nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng cựu Thủ tướng Italy Berlusconi vẫn quay trở lại cuộc đua bầu cử với những cam kết mạnh mẽ trong việc giảm mạnh các loại thuế, tăng lương hưu tối thiểu và trợ cấp nhiều hơn cho các gia đình nghèo.

Đối thủ của ông Berlusconi trong cuộc bầu cử lần này chính là Liên minh cánh tả trong đó có Đảng Dân chủ (PD) trung tả của cựu Thủ tướng Matteo Renzi. Mặc dù thừa nhận Đảng Dân chủ trung tả đã thua trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp năm 2016, nhưng ông Renzi cho rằng Đảng Dân chủ trung tả hiện nay có đủ điều kiện và khả năng giành đủ đa số ghế cần thiết trong Quốc hội để tự đứng ra thành lập chính phủ.

Phát biểu trước nhiều người ủng hộ, ông Renri cho rằng: “Chúng ta có quyền tự hào vì những gì Đảng dân chủ đã làm. Chúng ta đã giúp cho đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng và người dân Italy có nhiều quyền hơn, bị đánh thuế ít hơn. Và tôi tin rằng, chúng ta sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ.”

Ứng cử viên thứ 3 được cho là “một ngôi sao đang lên" – đó là Đảng Phong trào 5 Sao, một lực lượng dân túy theo chủ nghĩa bài EU do chính trị gia Luigi Di Maio lãnh đạo. Nếu như trúng cử, ông Luigi Di Maio sẽ trở thành Thủ tướng trẻ nhất tại châu Âu.

Trong cuộc thăm dò dư luận gần nhất hôm 16/2 do BBC công bố, tỷ lệ ủng hộ đối với liên minh của ông Berlusconi đang ở mức 37%, khá gần với mức cần thiết 40% để thực sự có cơ hội đứng ra thành lập chính phủ. Xếp thứ hai là Đảng Phong trào 5 Sao với tỉ lệ 28%, trở thành đảng đơn lẻ có tỉ lệ ủng hộ cao nhất so với các đảng khác. Trong khi đó, sự ủng hộ đối với liên minh trung tả có đảng Dân chủ bị sụt giảm, chỉ còn khoảng 26%.

Tuy nhiên, rất khó đoán đảng nào sẽ dành được kết quả thắng chung cuộc, bởi ngoài việc phải giành được tối thiểu 40% số phiếu bầu, một đảng hoặc liên minh chính đảng còn cần phải đánh bại đối thủ ở vị trí thứ hai với khoảng cách hơn 12% số phiếu bầu mới giành được quyền tự thành lập chính phủ. Điều kiện khó khăn này tạo một dự cảm không trọn vẹn về kết quả của cuộc bầu cử.

Người dân Italy cũng có những phản ứng trái chiều trước cuộc bầu cử ngày hôm nay.

“Tôi không nhìn thấy những điều tích cực từ các đảng chính trị. Do đó, tôi cảm thấy lo lắng về tương lai của mình, của bọn trẻ và của cả đất nước Italy”.

“Chúng tôi không lo lắng nhiều, bởi chúng tôi có những điều chúng tôi muốn. Điều lo ngại của tôi chính là những gì đảng xảy ngoài Italy, nó sẽ tác động tiêu cực đến chúng tôi. Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Có quá nhiều điều không chắc chắn”.

“Hi vọng và chỉ có hi vọng mọi thứ sẽ tốt hơn thôi. Chúng tôi không thể làm gì hơn. Bởi vì chúng tôi đã ở tận đáy rồi, chúng tôi chỉ có thể làm mọi cách để tiến lên”.

Có thể nói, ngay cả những chuyên gia lạc quan nhất cũng phải thừa nhận rằng Italy đang phải đối mặt với nhiều thách thức ở thời điểm hiện tại. Tốc độ tăng trưởng của quốc gia này năm 2017 đạt mức 1,4%, cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây, song vẫn kém xa mức trước khủng hoảng tài chính năm 2008 (7,5%) hay thậm chí so với tốc độ phát triển trung bình (2,5%) của các nước trong cùng khối Đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone. Theo các chuyên gia, dù là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực Đồng tiền chung châu Âu, song Italy lại được đánh giá là nước có năng suất lao động thấp nhất trên toàn châu Âu, với tín nhiệm thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao, cùng môi trường kinh doanh kém thân thiện. Bên cạnh đó, nhập cư tiếp tục là vấn đề nhức nhối, đe dọa an ninh và ổn định của quốc gia này. Chính vì vậy, điều người dân mong đợi chính là Italy phải thoát khỏi “mớ bòng bong” này.

Kể từ sau "cuộc ly hôn" của Anh và Liên minh châu Âu, Italy sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 của lục địa này. Do đó, kết quả cuộc bầu cử Italy có ý nghĩa rất quan trọng với nền kinh tế khu vực và thị trường chứng khoán, cũng như chính sách nhập cư với người tị nạn mà quốc gia này đang ban hành./.