Quyết định tổ chức bầu cử sớm của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là một nước cờ chiến lược của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan với hy vọng ông có thể trở thành "siêu Tổng thống" điều hành bằng sắc lệnh và quyền hành pháp một cách đầy đủ. Tuy nhiên, càng sát đến ngày bầu cử càng cho thấy những thách thức của Tổng thống Erdogan trong việc hiện thực hóa mục tiêu đề ra.

tnk_oeux_efsj.jpg
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: CNN.

Các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra sớm hơn 1 năm so với kế hoạch. Nếu liên minh của Tổng thống Erdogan chiến thắng trong các cuộc bầu cử ngày mai, ông sẽ tiếp tục nắm giữ cương vị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ với quyền hành pháp mới, được thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2017.

Các cuộc thăm dò cho thấy, Tổng thống Erdogan vẫn là ứng cử viên mạnh nhất trong cuộc bầu cử. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng, trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của phe đối lập, có nhiều khó khăn thách thức hơn so với thời điểm Tổng thống Erdogan kêu gọi bầu cử sớm vào tháng 4 vừa qua.

Theo một số khảo sát cho thấy, Tổng thống Erdogan có thể phải tham gia vào một cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 và khả năng Đảng Công lý và Phát triển cầm quyền có thể mất thế đa số trong Quốc hội 600 ghế.

Đảng Công lý và Phát triển đã thành lập một liên minh với Đảng dân tộc MHP trước cuộc bầu cử. Trong khi đó, các đảng đối lập cũng thành lập liên minh.

Chủ tịch của nhóm khảo sát Gezici ông Murat Gezici nhận định:“Nếu chúng ta phải tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2. Điều đó có nghĩa là lần đầu tiên, Tổng thống Erdogan thất bại trong cuộc bầu cử và phải tham gia vòng 2. Khi đó ông Erdogan sẽ phải tham gia cạnh tranh với ứng cử viên của CHP ông Muharrem Ince”.

Theo nhận định của giới chuyên gia, vấn đề kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một trong các mối lo ngại lớn của các cử tri. Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với nhiều khó khăn kể từ sau cuộc đảo chính tháng 7/2016 và sau đó là lệnh tình trạng khẩn cấp. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất hơn 30% giá trị, lạm phát ở mức 12% và cũng không có nhiều đầu tư vào quốc gia này.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ đang dần cảm thấy tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế. Mặc dù vậy, trong bức tranh chính trị hiện nay tại Thổ Nhĩ Kỳ thì Tổng thống Erdogan vẫn được hàng triệu người dân Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ với những chính sách về giáo dục, y tế, hạ tầng cơ sở của đất nước được đưa ra vào thời điểm nền kinh tế phát triển ổn định.

Một người dân Ankara bày tỏ:“Tôi sẽ bỏ phiếu cho Tổng thống Erdogan. Chúng tôi đã từng có nhiều vấn đề trước đây liên quan đến cơ sở hạ tầng y tế. Điều kiện làm việc của chúng tôi không được tốt. Tuy nhiên, Tổng thống đã cải cách nhiều thứ và do đó tôi sẽ bỏ phiếu cho ông Erdogan”.

Nhận thức rõ những thách thức trong cuộc bỏ phiếu lần này, Tổng thống Erdogan tuyên bố không loại trừ khả năng sẽ tìm kiếm thành lập một liên minh tại Quốc hội nếu liên minh hiện nay do đảng Công lý và Phát triển (AKP) đứng đầu của ông không giành đa số trong các cuộc bầu cử. Đảng Phong trào Dân tộc (MHP) trong liên minh cũng cho biết, một cuộc bầu cử khác có thể được tổ chức nếu liên minh không thể nhận được thế đa số trong Quốc hội.

Trong một nỗ lực cuối cùng nhằm thu hút phiếu của các cử tri, Tổng thống Erdogan hôm 22/6 đưa ra các cam kết cắt giảm mạnh số Bộ trong Nội các xuống còn 16 Bộ và đẩy nhanh tiến trình đưa ra những quyết sách trong chính quyền mới nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 24/6. Theo ông Erdogan, chính phủ mới cũng sẽ giảm nạn quan liêu và đưa ra các quyết định nhanh hơn với tất cả các bộ ngành hoạt động chú trọng vào hiệu quả. /.