Vụ bê bối nói xấu đối thủ gần đây được coi là một cơn địa chấn có thể nhấn chìm nỗ lực vực dậy của một chính đảng vốn là thành trì của nền chính trị Áo kể từ năm 1945.

spo_yyge.jpg
Thủ tướng Christian Kern. Ảnh: Reuters

Vụ bê bối được báo chí Áo phanh phui cách đây một tuần, trong đó hai tài khoản mạng xã hội Facebook được một cựu cố vấn của Đảng Dân chủ xã hội (SPO) lập ra để nói xấu đối thủ Sebastian Kurz, chủ tịch Đảng Nhân dân Áo theo đường lối bảo thủ (OVP).

Ngoại trưởng Kurz đang nhận được sự ủng hộ lớn của người dân Áo và dự đoán ông sẽ nắm quyền điều hành chính phủ mới sau cuộc bầu cử vào Chủ Nhật tuần tới.

Tal Silberstein, nguyên cố vấn của Thủ tướng Christian Kern, đồng thời là thành viên ủy ban vận động tranh cử của Đảng Dân chủ xã hội, thừa nhận mình là người đứng sau việc thành lập các tài khoản Facebook nói trên.

Mặc dù bị bắt tại Israel và bị Đảng Dân chủ xã hội sa thải tháng 8 vừa qua do liên quan cáo buộc rửa tiền, cộng sự của ông vẫn tiếp tục duy trì hai tài khoản này để nói xấu Ngoại trưởng Kurz.

Vụ bê bối được coi như một chiến dịch truyền thông xấu xa nhằm làm giảm uy tín, hạ bệ đối thủ Sebastian Kurz trước thềm cuộc bầu cử. Nó gây chấn động chính trường nước Áo, buộc người đứng đầu Ủy ban vận động tranh cử của Đảng Dân chủ xã hội phải từ chức vào đầu tháng 10 vừa qua.

Nó cũng ngay lập tức làm giảm uy tín của Đảng Dân chủ xã hội trong cuộc thăm dò dư luận chớp nhoáng được tổ chức ngay sau đó. Hiện Đảng Dân chủ xã hội nhận được 22% số người ủng hộ, đứng ở vị trí thứ ba, kém Đảng Nhân dân Áo đứng đầu tới 10% điểm.

Chưa hết, cả hai đảng này ngày 6/10 dọa sẽ kiện nhau ra tòa xung quanh cáo buộc một thành viên của Đảng Nhân dân Áo tìm cách mua chuộc một thành viên của Đảng Dân chủ xã hội để cung cấp thông tin về đảng mình cho đối thủ.

Đảng Nhân dân Áo bác bỏ cáo buộc trong khi Đảng Dân chủ xã hội đưa ra bằng chứng chứng minh vụ việc. Chưa biết độ xác thực của thông tin cáo buộc đến đâu, nhưng những rắc rối vừa qua càng làm mất uy tín của Đảng Dân chủ xã hội trong mắt người dân Áo.

Thủ tướng Christian Kern nói rằng ông không hề biết gì về chiến dịch bôi nhọ đối thủ Sebastian Kurz của Đảng Nhân dân Áo, đồng thời mô tả đây là một hành động “phi đạo đức” và “ngu xuẩn”. Mặc dù vậy, các nhà phân tích cho rằng Thủ tướng Kern hầu như không còn cơ hội để có thể đảo ngược tình hình trước những vụ bê bối mới này.

Kể từ khi lên nhậm chức Thủ tướng Áo tháng 5/2016, Đảng Dân chủ xã hội của ông Kern không nhận được nhiều sự ủng hộ của Đảng Nhân dân Áo trong liên minh cầm quyền như ba nhiệm kỳ trước đó.

Ngoài cải cách giáo dục hay thuế, chính sách điều hành kinh tế của thủ tướng Kern không thuyết phục được Đảng Nhân dân Áo, và sự rạn nứt lên đến đỉnh điểm khi Đảng Nhân dân Áo của Ngoại trưởng Sebastian Kurz tuyên bố chấm dứt thỏa thuận liên minh cầm quyền với Đảng Dân chủ xã hội vào tháng 5 vừa qua, dọn đường cho bầu cử sớm ở nước Cộng hòa Trung Âu này.

Bên cạnh những cáo buộc vừa qua, bản thân Thủ tướng Kern, với tư cách là Chủ tịch Đảng Dân chủ xã hội, cũng chưa thể hàn gắn rạn nứt chia rẽ ngay trong nội bộ đảng. Bất đồng vẫn tồn tại xung quanh việc làm thế nào để kiểm soát số lượng kỷ lục người xin tị nạn ở trong nước và liệu đã đến thời điểm cân nhắc chia sẻ cán cân quyền lực với Đảng Tự do cực hữu như đã từng xảy ra năm 1983.

Sự mất đoàn kết trong nội bộ đảng và vụ bê bối nói xấu đối thủ mới đây đang đưa Thủ tướng Christian Kern vào vị thế bất lợi. Tuy vậy, vị doanh nhân 51 tuổi này khẳng định ông vẫn sẽ tiếp tục tham gia chính trường trong vòng 10 năm nữa cho dù đảng của ông không giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vào tuần tới, và lúc đó ông sẵn sàng trở thành thủ lĩnh của đảng đối lập trong chính phủ.

Chỉ còn một tuần nữa hơn 8,7 triệu cử tri Áo sẽ tham gia vào cuộc bầu cử Quốc hội sớm ở nước này. Những cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, với vị trí thứ ba hiện có, Đảng Dân chủ xã hội Áo của đương kim Thủ tướng Christian Kern khó có khả năng lật ngược thế cờ và có thể sẽ sớm trở thành đảng đối lập trong chính phủ, tương tự như nhiều đảng trung tả khác ở Châu Âu.

Nó cũng sẽ mở đường cho Đảng tự do cực hữu chống người nhập cư (FPO), hiện đang đứng thứ hai theo các cuộc thăm dò dư luận, liên minh thành lập chính phủ mới. Và khi đó nó sẽ gây mối lo ngại to lớn đối với chính trường châu Âu trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy, cực đoan đang trỗi dậy tại châu lục./.