Bầu cử Mỹ có tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của thế giới và Australia cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Là một đồng minh của Mỹ nên bầu cử Mỹ còn tác động tới chính sách đối ngoại của Australia. Nhiều vấn đề quốc tế cũng sẽ bị ảnh hưởng từ cuộc bầu cử này song với Australia, có ba vấn đề nổi bật mà nước này quan tâm đó là quan hệ song phương với đồng minh Mỹ, sự can dự của Mỹ trong khu vực và quan hệ với Trung Quốc.
Quan hệ đồng minh Australia-Mỹ
Kể từ khi Tổng thống Donald Trump trở thành ông chủ của Nhà Trắng vào năm 2016, quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Australia về bản chất không thay đổi song mức độ cam kết giảm mạnh. Với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Donald Trump đã gửi tín hiệu để các đồng minh của mình, trong đó có Australia không dựa quá nhiều vào Mỹ như trước mà cần phải tự mình đứng ra gánh vác các vấn đề và chia sẻ trách nhiệm, trong đó có cả việc đảm bảo an ninh và xây dựng môi trường chiến lược trong khu vực. Thực tế trong 4 năm qua đã cho thấy rõ điều này. Nếu Tổng thống Donald Trump tái cử nhiệm kỳ 2, nhiều khả năng, chính sách này vẫn được duy trì.
Tuy vậy, là một thành viên của Đảng Dân chủ, dư luận Australia cho rằng, ông Joe Biden sẽ giảm bớt việc hành xử đơn phương và quan tâm nhiều hơn đến quan điểm và sự chia sẻ trách nhiệm với các đồng minh.
Tiến sỹ Charles Edel, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney nhận định, ứng cử viên Tổng thống Joe Biden có nhiều khả năng sẽ đánh giá cao vai trò của các đồng minh và đặt mối quan hệ này vào trung tâm của chính sách đối ngoại. Tiến sỹ John Lee thuộc trường Đại học Sydney cũng đồng tình với quan điểm này khi cho rằng, mặc dù khi được bầu làm Tổng thống, ông Biden sẽ không từ bỏ ý định yêu cầu các đồng minh chia sẻ các gánh nặng song với tư tưởng của những người thuộc đảng Dân chủ, chính quyền ông Biden có thể sẽ có thể cố gắng đáp ứng những khác biệt về lợi ích, về nhận thức đối với mối đe dọa cũng như đóng góp nhiều hơn cho hành động tập thể.
Sự can dự của Mỹ trong khu vực
Vấn đề lớn thứ hai mà Australia quan tâm đó là sự can dự của Mỹ trong khu vực trong khuổn khổ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương và nhóm Bộ Tứ. Các nhà lãnh đạo Australia đã nhiều lần khẳng định, trật tự thế giới được thiết lập sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 đang đối mặt với thách thức lớn và giai đoạn hiện tại thế giới đang chứng kiến sự điều chỉnh chiến lược lớn nhất kể từ chiến tranh thế giới lần thứ 2. Không chỉ với Australia, khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đang trở thành tâm điểm của thế giới, vì vậy, sự quan tâm và mức độ can dự của Mỹ với khu vực này sẽ không chỉ tác động đến tình hình hiện tại mà còn ảnh hưởng tới môi trường chiến lược tại đây.
Sau khi nhậm chức vào đầu năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố chấm dứt chiến lược “tái cân bằng” của chính quyền tiền nhiệm và đến tháng 11/2017, tại Hội nghị cấp cao APEC diễn ra ở Đà Nẵng, Tổng thống Donald Trump đã lần đầu công bố chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương để chia sẻ với thế giới về tầm nhìn của Mỹ đối với khu vực. Chiến lược này cho thấy cam kết của Mỹ đối với khu vực đồng thời khẳng định những vấn đề trọng tâm mà Mỹ muốn hướng đến. Cùng với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, thông qua chiến lược này, một mặt Mỹ khẳng định sự can dự tích cực, mặt khác thể hiện rõ yêu cầu các nước đồng minh cùng chia sẻ chi phí quốc phòng và gánh vác trách nhiệm trong khu vực.
Ông Ashley Townshend, giám đốc phụ trách các vấn đề chính sách ngoại giao và quốc phòng của Trung tâm Mỹ thuộc Đại học Sydney cho dự báo, cho dù ai là người dành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày hôm nay thì về lâu dài Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng sẽ vẫn là khu vực trọng tâm chiến lược trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Tuy vậy, tùy thuộc vào người làm chủ Nhà Trắng mà cách tiếp cận với các vấn đề nổi lên ở khu vực sẽ khác nhau.
Ông Ashley Townshend cho rằng, nếu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục thúc đẩy cách tiếp cận đơn phương, làm cản trở nỗ lực tạo dựng chiến lược tập thể trong khu vực. Trong trường hợp ông Joe Biden giành chiến thắng, thì Mỹ sẽ hướng nhiều hơn tới việc hợp tác cùng với các đồng minh nhằm xây dựng chiến lược và hành động tập thể đối với khu vực.
Quan hệ với Trung Quốc
Ông Richard McGregor, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc của Viện nghiên cứu Lowy nhận định, cho dù ai là chủ nhân Nhà Trắng trong 4 năm tới thì cách thức mà chính quyền Mỹ nhìn nhận Trung Quốc sẽ không thay đổi. Trung Quốc không chỉ là đối tác mà giờ còn là đối thủ, là đối tượng cạnh tranh ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.
Tuy vậy, các chuyên gia đều cho rằng, khi Tổng thống Trump giành chiến thắng, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục cứng rắn và sử dụng các nhiều vũ khí, trong đó chủ yếu là vũ khí kinh tế để chống lại Trung Quốc. Nếu kết quả cuộc bầu cử không theo chiều hướng này, tiến sỹ John Lee cho hay, chính quyền của ông Joe Biden sẽ không hành động đơn phương mà cùng bàn bạc với các đồng minh trước khi có những quyết sách liên quan đến Trung Quốc. Ông Biden là người phản đối việc sử dụng cách thức kinh tế để đối đầu với Trung Quốc vì cho rằng sẽ gây ảnh hưởng tới chính nước Mỹ và các đối tác nên nếu trở thành ông chủ Nhà Trắng, ông Biden có thể sử dụng các công cụ khác như vấn đề nhân quyền hay biến đổi khí hậu để gây sức ép với Trung Quốc.
Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới, vì vậy việc ai sẽ là nhà lãnh đạo của nước Mỹ trong 4 năm tới là điều đang được cả thế giới quan tâm. Trong khi đó, tham vọng của Trung Quốc trong việc tạo ra sự thay đổi trật tự thế giới tồn tại 65 năm qua đang tạo ra sự cạnh tranh chiến lược mạnh mẽ trong khu vực và trên thế giới. Cho dù kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ như thế nào thì cũng không làm đảo chiều được xu thế này. Tuy vậy, việc người dân Mỹ lựa chọn Tổng thống sẽ ảnh hưởng đến cách thức Mỹ sẽ đối mặt như thế nào trước những diễn biến này.
Với Australia, cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ không chỉ định hình quan hệ song phương với Mỹ trong thời gian tới mà còn tác động đến môi trường chiến lược ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, là nơi mà Australia đang nỗ lực tạo dựng ảnh hưởng. Mức độ can dự của Mỹ tại khu vực này sẽ tác động đến kế hoạch gây dựng ảnh hưởng của Australia cũng như sự phối hợp của nước này với các đối tác. Vì vậy, tuy không được được bỏ lá phiếu như người dân Mỹ nhưng Australia cũng đang hồi hộp và theo dõi sát từng diễn biến trong cuộc bầu cử ở phía bên kia bờ Thái Bình Dương./.