Một trong những nước thành viên quan trọng trong EU là Đức vẫn kiên quyết phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối này. Trong chuyến công du tới Thổ nhĩ kỳ mới đây (27-28/7), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Đức Westerwelle tiếp tục nhấn mạnh, nước Đức chỉ muốn Thổ Nhĩ Kỳ hội nhập với châu Âu, đồng thời thúc đẩy ý tưởng xây dựng quan hệ đối tác ưu tiên giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU, chứ không ủng hộ nước này là thành viên đầy đủ của khối.

Cùng với Đức, từ lâu, Pháp – một thành viên quan trọng của EU cũng không ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên chính thức của EU. Chính bởi vậy, trong thời gian qua, quá trình đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ luôn bị hoãn lại (Thực tế, việc đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo dài từ năm 2004).

Lý do mà một số nước trong EU phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối này là vì Thổ Nhĩ Kỳ có diện tích lớn tương đương với nước Pháp, dân số đông gần như Đức, nhưng kinh tế lại kém phát triển, do đó nếu Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên EU thì khối này sẽ thêm gánh nặng. Hơn nữa, nếu Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU thì di dân và đạo Hồi cũng là những vấn đề lớn đối với EU, tiếp đó là vấn đề Đảo Cyprus. Đặc biệt, việc cải cách của Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá là vẫn chưa hoàn chỉnh theo quy chuẩn của khối EU.

Nếu khối EU có thêm những thành viên mới quá khác biệt về mặt kinh tế và văn hóa so với chuẩn mực chung của EU thì sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển chung của EU cũng như về mặt kết cấu của khối này.

Trong bối cảnh như vậy, Thủ tướng mới của Anh David Cameron lại có quan điểm ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU vì Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên tích cực trong NATO, đồng thời có  vai trò quan trọng đối với an ninh của châu Âu.

Hiện nay, các nhà chức trách EU đang dành sự quan tâm nhiều hơn tới việc gia nhập EU của Iceland và Croatia. Vì thế, hồ sơ của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phải xếp hàng sau hai nước này./.