Ngày 23/9 vừa qua, Mỹ và một số nước đồng minh Arab đã mở màn chiến dịch không kích nhằm tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria. Bước đầu, chiến dịch được đã nhân được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận, song hiệu quả mang lại khá hạn chế. Dù qua gần 10 ngày bị không kích không ngừng nghỉ, song IS ở cả Syria và Iraq, vẫn được đánh giá là còn rất mạnh và rất đáng sợ.

_77798657_77798656_uuul.jpgPhiến quân Nhà nước Hồi giáo tại thành phố Raqqa (Ảnh BBC)

Theo các nguồn tin Arab và khu vực, trong suốt tuần qua, tức sau hơn một tuần hứng chịu các cuộc không kích dữ dội của liên minh chống khủng bố quốc tế do Mỹ lãnh đạo, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng vẫn liên tục mở các cuộc tấn công ác liệt, vây hãm và uy hiếp thành phố Kobani ở phía bắc Syria, giáp ranh với Thổ Nhĩ Kỳ.

Truyền hình Al-Jazeera khẳng định, hàng trăm tay súng IS với nhiều trang bị vũ khí hạng nặng, gồm cả pháo tự hành và xe tăng, vẫn đang duy trì vòng vây Kobani từ ít nhất 3 hướng. Sự kháng cự của các tay súng người Kurd ở trung tâm Kobani cũng như các cuộc không kích yểm trợ của liên minh quốc tế, dường như không thể ngăn chặn bước tiến của IS.

Cho đến đêm 1/10, các tay súng IS chỉ còn cách trung tâm Kobani khoảng 2 km và nguy cơ thành phố thất thủ là rất lớn, có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Lo ngại trước kịch bản xấu này, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã phải tăng cường triển khai lực lượng tới khu vực biên giới với Syria, sẵn sàng đối phó với tình huống Kobani thất thủ.

Ngoài điểm nóng Kobani, các tay súng IS cũng tiếp tục hoành hành và duy trì quyền kiểm soát tại nhiều vùng lãnh rộng lớn ở phía bắc Syria, gây thêm nhiều tội ác chống dân thường và khiến cho làn sóng chạy tỵ nạn của dân chúng ngày một mạnh mẽ hơn.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, chỉ riêng số người tỵ nạn chạy trốn IS những ngày qua đã lên tới con số hàng chục nghìn. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 2.000 đến 3.000 người Syria chạy tỵ nạn sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Không chỉ đe dọa trực tiếp tính mạng thường dân thông qua các hoạt động tàn sát dã man, IS còn gián tiếp đe dọa mạng sống của hàng chục nghìn người dân Syria tại các vùng đất do chúng chiếm đóng, do những người này không thể tiếp cận các chuyến hàng viện trợ nhân đạo quốc tế chuyển tới Syria.      

Còn tại Iraq, cũng trong tuần qua, lực lượng vũ trang người Kurd ở miền bắc nước này cũng đang phải gồng mình chống đỡ các cuộc tấn công mạnh mẽ của IS, đặc biệt là ở tỉnh Kirkuk.

Tại đây, IS vừa chiếm lại ít nhất 2 thị trấn từ tay lực lượng người Kurd chỉ sau ít giờ giao tranh và gây nhiều thương vong cho phía dân quân người Kurd.

Các cuộc giao tranh giữa IS và lực lượng vũ trang Iraq cũng được ghi nhận tiếp tục diễn ra ác liệt tại tỉnh Diala, nơi quân đội Iraq tuyên bố đã kiểm soát được 80% diện tích và đang tiếp tục nỗ lực giành lại các thành phố, thị trấn còn nằm dưới sự kiểm soát của IS.

Còn tại tỉnh Mosul, lực lượng người Kurd cũng đã phải rất vất vả mới giành lại quyền kiểm soát cửa khẩu Rabia mang ý nghĩa chiến lược, nối giữa Mosul với lãnh thổ Syria. Tuy nhiên, tại một số vị trí chỉ cách thủ đô Baghdad khoảng 30 đến 50 km, quân đội Iraq vẫn chưa thể dập tắt được hoàn toàn các cuộc đột kích của các tay súng IS, dù luôn nhận được sự yểm trợ mạnh mẽ bằng không quân từ Mỹ và một số nước đồng minh.

Đặc biệt, theo truyền hình tiếng Arab Al Arabyia, IS đang chiếm giữ một diện tích trồng lúa mì rộng lớn tại Iraq, chiếm khoảng 40% sản lượng lúa mì hàng năm của quốc gia Vùng Vịnh. Và không chỉ chiếm giữ đất trồng lúa mì, IS còn kiểm soát toàn bộ hoạt động chế biến và xuất khẩu lúa mì đối với số diện tích chiếm giữ.

Theo giới phân tích, việc IS đang tiếp tục duy trì và bành trướng các hoạt động vũ trang mạnh mẽ ở cả Syria và Iraq cho thấy, tổ chức khủng bố tự xưng này vẫn còn rất mạnh và cực kỳ nguy hiểm.

Chiến dịch không kích của Liên minh quốc tế do Mỹ lãnh đạo vẫn chưa thực sự hiệu quả khi chưa thể làm suy giảm đáng kể sức mạnh của IS. Bằng chứng là việc Chính quyền Mỹ đã bắt đầu phải tính toán lại chiến lược tiêu diệt IS, trong khi nhiều nước cũng quyết định gia nhập liên minh chống IS, mới nhất là nước Anh.

Nhà phân tích quân sự Mustafa Ali, giám đốc chương trình an ninh thuộc Trung tâm nghiên cứu Vùng Vịnh đánh giá: “Các chiến dịch cho đến lúc này vẫn chưa mang lại kết quả rõ ràng, chưa tạo ra bất kỳ sự thay đổi căn bản nào cả ở trên thực địa, dù tất nhiên đã có những sự hoán đổi nhất định về mặt địa lý. Sẽ còn mất nhiều thời gian nữa mới có thể có được kết quả mong muốn.

Vấn đề cơ bản ở đây chính là tiềm lực của đối phương. IS có khả năng thay thế và thích nghi rất tốt trước những tổn thất. IS đã có nhiều năm kinh nghiệm đối phó với các cuộc không kích trên lãnh thổ Iraq. Hàng ngũ lãnh đạo IS có thể được thay thế và bù bắp nhanh chóng nếu có tổn thất. Các thành viên cũng dễ dàng được bổ sung và có kỹ năng đào thoát tốt. Các tay súng IS luôn di chuyển linh hoạt và có khả năng giao đấu tốt với lực lượng đối phương và luôn là người chủ động lựa chọn mặt trận để giao đấu” 

Thậm chí, theo một số đánh giá, IS dường như còn trở nên mạnh hơn và đáng sợ hơn sau khi Mỹ và đồng minh bắt đầu chiến dịch không kích vào Syria. Bởi lẽ, sự vào cuộc của Mỹ và đồng minh có thể là cơ hội rất tốt cho IS thu hút sự chú ý của dư luận và điều này đặc biệt có lợi cho hoạt động chiêu mộ chiến binh của IS ở tại khu vực cũng như từ chính các quốc gia tham chiến./.