Đây là khẳng định của nhiều chuyên gia và người đứng đầu Liên Hợp Quốc tại Diễn đàn đối thoại toàn cầu lần thứ 2 về Di cư và Phát triển của Liên Hợp Quốc diễn ra ngày 3-4/10 tại trụ sở Liên Hợp Quốc.
Tại Diễn đàn Đối thoại cấp cao lần này, đại diện của LHQ và các chuyên gia cùng bàn bạc, xác định các biện pháp cụ thể để tăng cường sự gắn kết và hợp tác ở tất cả các cấp, các quốc gia, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc di cư quốc tế đối với các quốc gia có người nhập cư và các nước tiếp nhận nhập cư.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi bảo vệ quyền của tất cả người di cư. Ông nhấn mạnh, di cư là một phần của kết cấu xã hội, là sự thể hiện những "khao khát cuộc sống của con người, trong đó có nhu cầu được an toàn và một tương lai tốt đẹp.
Vụ lật tàu ở Italy được coi là thảm họa về nhập cư (Ảnh AFP) |
Tổng thư ký LHQ cam kết sẽ thúc đẩy chương trình nghị sự 8 điểm cần làm đối với vấn đề di cư, trong đó có mục tiêu giảm chi phí di cư, chấm dứt tình trạng khai thác bóc lột sức lao động với người di cư, tăng cường nhận thức của người di cư.
“Người di cư thường xuyên phải sống trong sợ hãi. Họ không được luật pháp bảo vệ. Lương bổng và hộ chiếu của họ bị chủ lao động thu giữ. Chúng ta không thể tiếp tục yên lặng. Chúng ta cần loại bỏ sự đối xử phân biệt trong mọi hình thức đối với người di cư. Chúng ta cần tạo ra một kênh an toàn cho người di cư", Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với Tổng thư ký Ban Ki-moon, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc John Ashe nhấn mạnh, bảo vệ quyền của người di cư cần phải là cột trụ trong chính sách di cư của chính phủ mỗi nước.
Theo ông Ashe, trong thời điểm suy thoái kinh tế, người di cư dễ trở thành “người phải đứng mũi chịu sào” trong các vấn đề. Do vậy, mọi người cần có tiếng nói để bảo vệ người di cư, đặc biệt là những người di cư dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em.
“Quyền bình đẳng và những quyền không thể chuyển nhượng của con người là cơ sở của tự do, công bằng và hòa bình cho thế giới. Những từ ngữ này đã được quy định rõ trong Tuyên ngôn nhân quyền của thế giới và nó cũng cần được áp dụng với hơn 230 triệu người di cư trên thế giới,” ông Ashe tuyên bố.
Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc John Ashe cũng nhấn mạnh, trong 7 năm qua, kể từ khi Diễn đàn đối thoại toàn cầu lần thứ 1 về Di cư và Phát triển của Liên Hợp Quốc được tổ chức, có thể thấy, việc quản lý tốt người nhập cư sẽ góp phần giảm nghèo, nâng cao nguồn lực con người và góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Xung đột leo thang tại Syria và tình hình bất ổn tại Ai Cập trong năm 2013 đã khiến số người tị nạn vượt biển đến Italy ngày càng tăng. Bất chấp nguy hiểm, hàng nghìn người vẫn cố vượt qua tuyến đường nguy hiểm để mong tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Gần đây nhất là vụ lật tàu ở gần đảo Lampedusa, miền Nam Italy hôm 3/10, làm 133 người thiệt mạng. Đây vẫn chưa phải là con số chính thức bởi lực lượng cứu hộ Italy vẫn đang tìm kiếm hơn 200 người khác bị mất tích.
Chiếc tàu bị lật này chở khoảng 500 người nhập cư trái phép đến từ châu Phi. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Adrian Edwards đánh giá vụ lật tàu này như một thảm họa: “Vụ lật tàu xảy ra hôm 3/10 thực sự là một thảm họa đối với con người. Nó không chỉ ảnh hưởng đến gia đình và người thân của các nạn nhân. Nhìn rộng ra, chúng ta có thể thấy, những người nhập cư này đang phải rời đi vì chiến tranh, vì bị ngược đãi. Quyền và lợi ích của họ đã bị xâm phạm”.
Theo các chuyên gia, hoạt động di cư mang đến những lợi ích có giá trị đối với xã hội, song cũng mang lại không ít hệ quả tiêu cực. Cả các quốc gia đang phát triển và phát triển đều cần người di cư để đáp ứng yêu cầu về lao động, với sự đa dạng về các kỹ năng lao động.
Có những bằng chứng cho thấy, những chính sách đúng đắn phù hợp đối với người di cư sẽ góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển cả ở quốc gia xuất và nhập cư. Đó là mối liên kết quan trọng giữa di cư và phát triển./.