Sáng 26/9, tại Hà Nội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo “Việc làm bền vững cho người lao động di cư, vai trò của chính phủ và các đối tác xã hội.
Hiện có khoảng 14 triệu lao động di cư từ khu vực ASEAN đang làm việc ở các nước trên thế giới, trong đó 40% đang làm việc tại các nước ASEAN. Lao động di cư sẽ tiếp tục tăng do sự phát triển về nhân khẩu học, thiếu hụt về lao động và chênh lệch giữa các nền kinh tế.
Tuy nhiên, lao động di cư đang gặp nhiều thách thức như: trình độ tay nghề thấp, quy trình xuất nhập cảnh khó khăn, lương thấp, phí tiêu dùng cao, điều kiện làm việc không được đảm bảo... Tình trạng này sẽ làm giảm lợi ích mà lao động di cư mang lại cho các nước phái cử cũng như nước tiếp nhận. Do đó, vai trò của Chính phủ nước phái cử, nước tiếp nhận lao động và các đối tác xã hội rất quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi, việc làm bền vững cho lao động di cư.
Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng: “Trước tiên phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, về người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; phát triển thị trường lao động ngoài nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về ngoại ngữ, đặc biệt hỗ trợ xây dựng một số cơ sở đào tạo lao động phục vụ xuất khẩu; đặc biệt trong thời gian lao động ở nước ngoài, các ban quản lý lao động ở nước ngoài có cán bộ quản lý cùng với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người lao động”.
Ông Gyorgy Sziraczky, Giám đốc văn phòng của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam khẳng định: Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước có lao động di cư và các nước tiếp nhận lao động xây dựng chính sách hỗ trợ, bảo vệ nhóm đối tượng này. Việc đối thoại giữa chính phủ và các tổ chức đại diện của người lao động và người sử dụng lao động có vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng chính sách về lao động di cư.
Mỗi năm Việt Nam đưa khoảng 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Số lao động này gửi về nước khoảng 2 tỷ USD mỗi năm./.