Có khoảng 500.000 người phải tạm thời đi sơ tán khi cơn bão Phailin đổ bộ vào miền Đông Ấn Độ. Sức gió đo được gần tâm bão lên đến 200km/h khi bão Phailin tiến vào bờ biển gần Gopalpur, bang Orissa khoảng 21h15 ngày 12/10 (giờ địa phương).

bao-phailin1-1.jpg
Bão Phailin đã gây mưa lớn và gió giật mạnh trước khi đổ bộ vào đất liền (Ảnh: AFP) 

Nhà chức trách địa phương đã dự đoán cơn bão mạnh có thể gây ra các con sóng biển cao tới 3 mét, gây thiệt hại lớn. Họ cũng cho biết, các công tác chuẩn bị đã được tiến hành kỹ lưỡng để tránh những thiệt hại đáng tiếc như những gì đã xảy ra năm 1999 khi một cơn bão lớn cướp đi sinh mạng hàng nghìn người ở Orissa.

LS Rathore, người đứng đầu cơ quan khí tượng của Ấn Độ cho biết, cơn bão Phailin được xếp vào hàng những cơn bão “rất nguy hiểm” có thể sẽ hoành hành trong 6 giờ trước khi suy yếu. Tâm bão đang di chuyển với tốc độ 10 - 15km/h.

Phóng viên BBC có mặt tại hiện trường cho hay, cơn bão đổ bộ đã gây ra mưa lớn và gió giật mạnh ở Gopalpur. Nhiều cây to, biển báo, đèn tín hiệu giao thông bị quật đổ, một số khu vực bị cắt điện, nhiều ngôi nhà bị thổi bay cửa kính và tốc mái.

Theo thống kê ban đầu, đã có 5 trường hợp tử vong khi bão Phailin đổ bộ, trong đó có 4 người chết vì cây đổ, 1 người chết vì sập nhà.

Nhà chức trách Ấn Độ chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với bão Phailin để tránh hậu quả đáng tiếc như những gì đã xảy ra năm 1999 (Ảnh: AP) 

Nhà chức trách địa phương trước đó đã quyết định sơ tán toàn bộ dân cư nơi cơn bão đổ bộ dọc theo bờ biển ở bang Orissa và Andhra Pradesh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ cho hay: “Nhiều người từ chối sơ tán dù đã được thuyết phục, cảnh sát thậm chí đã phải cưỡng chế họ tới nơi an toàn”.

Quân đội Ấn Độ được lệnh sẵn sàng ứng phó và tham gia vào các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, máy bay trực thăng, lương thực thực phẩm cũng đã sẵn sàng để cung cấp cho người dân bị ảnh hưởng do bão.

Trước khi cơn bão đổ bộ, sức gió đo được gần tâm bão trên vịnh Bengal lên đến 240 km/h. Sushant Sahoo, một người dân ở Bhubaneswar, thủ phủ bang Orissa trả lời hãng tin BBC cho hay: “Đường phố không một bóng người, chúng tôi không có điện, không khí rất ảm đạm”.

Bờ biển phía Đông của Ấn Độ và Bangladesh là khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của những cơn bão lớn vào thời điểm từ tháng 4-11 hàng năm./.